"Bí quyết bổ sung sắt hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu ở bà bầu"

Phụ nữ có thai là một trong những đối tượng có nguy cơ bị thiếu máu cao nhất. Vậy tại sao bà bầu lại bị thiếu máu? Hãy cùng meyeucon.com điểm qua những nguyên nhân hàng đầu trong bài viết dưới đây nhé!

Tại sao bà bầu lại bị thiếu máu?

Thiếu máu xảy ra khi lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong máu bị suy giảm. Tình trạng này khiến các tế bào và mô trong cơ thể không nhận được đủ lượng máu và oxy cần thiết, gây ra các vấn đề như mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt…

Khi mang thai thể tích máu của mẹ cần tăng lên để đảm bảo sự phát triển của thai nhi

Với mẹ bầu, thiếu máu sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhiễm trùng, băng huyết sau khi sinh… Đồng thời tình trạng này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thai nhi, làm bé bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh lý ở trẻ sơ sinh…

☛ Đọc tiếp: Mẹ thiếu sắt con suy dinh dưỡng

Thiếu máu ở bà bầu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau gồm:

Thiếu sắt

Thiếu sắt ở bà bầu là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu trong thai kỳ. Sắt là một khoáng chất thiết yếu cho sản xuất hồng cầu, loại tế bào máu chịu trách nhiệm vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể.

Trong thời gian mang thai, nhu cầu sắt của mẹ tăng cao để cung cấp đủ oxy cho cả mẹ và bé, đáp ứng sự phát triển của thai nhi. Khi cơ thể không cung cấp đủ sắt qua chế độ ăn uống hoặc không thể hấp thụ sắt đúng mức sẽ dẫn đến thiếu sắt và gây thiếu máu.

Thiếu acid folic

Thiếu hụt acid folic (vitamin B9) cũng là một nguyên nhân gây thiếu máu. Acid folic cần thiết cho sản xuất hồng cầu. Khi cơ thể mẹ không được cung cấp đủ acid folic, quá trình sản sinh hồng cầu mới cũng sẽ giảm, gây thiếu máu.

Ngoài ra, acid folic cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thần kinh của thai nhi. Bổ sung đầy đủ acid folic sẽ làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Thiếu vitamin B12

Vitamin B12 cần thiết để hình thành tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Khi cơ thể mẹ bầu thiếu vitamin B12, quá trình sản xuất hồng cầu bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Các yếu tố khác

Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu ở bà bầu, ví dụ như:

  • Thiếu máu trước khi mang thai
  • Mang bầu đa thai
  • Khoảng cách giữa 2 lần mang thai liên tiếp quá ngắn
  • Mất máu do chấn thương
  • Mang thai trong độ tuổi dậy thì…

Ngoài ra, những bệnh lý như rối loạn tuyến giáp, suy tuyến thượng thận, viêm gan…  cũng có thể khiến quá trình sản sinh hồng cầu bị ảnh hưởng, gây thiếu máu thai kỳ

Dấu hiệu thiếu máu ở bà bầu

Thiếu máu khiến mẹ bầu hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi

Những dấu hiệu thiếu máu phổ biến ở mẹ bầu bao gồm:

  • Mệt mỏi: Mệt mỏi là dấu hiệu phổ biến khi mẹ bầu bị thiếu máu. Tình trạng này diễn ra thường xuyên dù không làm việc nặng. Cụ thể, thiếu máu khiến cơ thể không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho các cơ quan và mô, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, không có năng lượng.
  • Da nhợt nhạt: Lượng hồng cầu trong máu giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông máu dưới da, khiến da nhợt nhạt, xanh xao hơn, nhất là ở vùng mặt và lòng bàn tay chân.
  • Khó thở: Thiếu máu có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể và cản trở sự lưu thông của máu, điều này khiến phổi phải hoạt động với cường độ cao hơn, gây cảm giác khó thở. Tình trạng này thậm chí diễn ra khi mẹ bầu nghỉ ngơi hoặc vận động nhẹ nhàng.
  • Chóng mặt và hoa mắt: Thiếu máu có thể làm giảm lưu lượng máu đến não, gây ra cảm giác chóng mặt hoặc hoa mắt khi mẹ đang ngồi mà đứng dậy hoặc thay đổi vị trí đột ngột.
  • Tim đập nhanh: Khối lượng hồng cầu giảm khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể. Điều này khiến tim thường xuyên đập nhanh và mạnh hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
  • Tóc rụng nhiều: Thiếu máu khiến lượng máu lưu thông đến da đầu giảm, làm nang tóc không nhận được dưỡng chất, dễ bị suy yếu, gãy rụng.

☛ Xem chi tiết: Bà bầu thiếu sắt có biểu hiện gì?

Khi có dấu hiệu thiếu máu phải làm sao?

Khi có các triệu chứng nghi ngờ thiếu máu, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định tình trạng và mức độ thiếu máu. Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, cụ thể:

  • Uống thuốc: Bác sĩ có thể đề nghị mẹ bầu sử dụng thuốc bổ sung sắt, acid folic, vitamin B12 hoặc các loại thuốc khác liên quan đến bệnh lý.
  • Tiêm thuốc sắt: Nếu mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc sắt để nhanh chóng bổ sung lượng sắt cần thiết.
  • Truyền máu: Trường hợp mẹ bị thiếu máu nặng (chỉ số Hgb dưới 7g/dL) hoặc có các triệu chứng như khó thở, thở gấp, tim đập nhanh…, bác sĩ có thể chỉ định truyền máu để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh, mẹ cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

☛ Tham khảo: Bà bầu nên uống sắt nước hay viên?

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần lưu ý những vấn đề khác như:

Dành thời gian nghỉ ngơi

Như đã nói ở trên, thiếu máu khiến mẹ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi dù không hoạt động gắng sức. Do vậy, việc mẹ cần làm lúc này là dành thời gian để nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ dừng mọi hoạt động và chỉ ngồi hoặc nằm yên một chỗ. Hãy lắng nghe cơ thể, duy trì hoạt động tập luyện, vận động nhẹ nhàng với các bài tập như đi bộ, yoga, bơi lội để tăng cường lưu thông máu và cải thiện sức khỏe.

Tăng cường bổ sung dưỡng chất qua chế độ ăn

Để cải thiện và phòng ngừa thiếu máu, mẹ nên tăng cường ăn các thực phẩm bổ máu như:

  • Thực phẩm giàu sắt: Thịt đỏ, gan động vật, lòng đỏ trứng, hạt và các loại hạt như hạt lanh, hạt điều, hạt bí, đậu đen, đậu nành, rau cải xoăn, bông cải xanh, rau bina… ☛ Đọc thêm: Top thực phẩm giàu sắt cho mẹ bầu
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Cam, chanh, quýt, bưởi, dứa, kiwi, dâu tây, ớt chuông, cà chua, cải xoăn, rau cải bó xôi…
  • Thực phẩm giàu acid folic: Rau xanh như cải bó xôi, rau chân vịt, bông cải xanh, măng tây, rau mồng tơi, cải bắp, rau chùm ngây, đậu xanh, lạc…
  • Thực phẩm giàu vitamin B12: Cá (cá hồi, cá thu, cá mòi), hàu, sò điệp, trứng, gan, thịt gia cầm (gà, vịt), sữa, sữa chua, phô mai…

Bổ sung các thực phẩm này vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp hỗ trợ sự hình thành hồng cầu, làm giảm nguy cơ thiếu máu, đồng thời tăng cường sức khỏe trong  thời gian mang thai.

Thăm khám định kỳ

Thăm khám định kỳ là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết với mẹ bầu, nhất là với các trường hợp bị thiếu máu.

Qua những lần thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, đồng thời điều chỉnh lượng thuốc sử dụng nếu cần, giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.

Kết luận:

Tình trạng thiếu máu ở bà bầu xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu. Để cải thiện, phòng ngừa thiếu máu khi mang thai, mẹ cần chủ động bổ sung các dưỡng chất thiết yếu như sắt và acid folic, đặc biệt đừng quên thăm khám định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

0 Nhận xét