"10 dấu hiệu thiếu sắt ở trẻ sơ sinh và cách giải quyết"

Sắt có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, đây lại là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu sắt. Làm thế nào để mẹ phát hiện bé bị thiếu sắt? Hãy cùng điểm danh những dấu hiệu cảnh báo bé dưới 1 tuổi thiếu sắt ngay sau đây nhé.

Trẻ nhỏ – đối tượng dễ bị thiếu sắt

Sắt là vi chất quan trọng đối với cơ thể, là nguyên liệu tạo thành huyết sắc tố hemoglobin, có chức năng vận chuyển oxy trong máu tới tế bào. Đồng thời sắt còn có vai trò quan trọng trong phát triển trí não, hệ miễn dịch của trẻ. Với trường hợp không được cung cấp đủ sắt khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

Theo kết quả điều tra về vi chất dinh dưỡng toàn quốc cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thiếu máu chiếm tới 27,8%. Trong đó, trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi chiếm tới 42,7 – 45%. Tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt khá cao đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Trẻ dưới 1 tuổi là đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao, đặc biệt là những trẻ sinh non, sinh nhẹ cân. Với trẻ sinh non, quá trình dự trữ sắt trong thai kỳ bị gián đoạn khiến lượng sắt dự trữ không nhiều. Sau sinh, bé tăng trưởng nhanh nên nhu cầu sắt rất cao. Nếu cha mẹ không bù sắt cho bé khiến bé rơi vào tình trạng thiếu sắt trầm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.

Đối với trẻ sinh đủ tháng, lượng sắt dự trữ trong thai kỳ chỉ đủ cung cấp cho bé trong 4 – 6 tháng đầu đời. Sau thời gian đó, trẻ cần được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho nhu cầu của cơ thể. Cha mẹ không chú trọng bổ sung sắt thông qua nhiều nguồn khác nhau, bé có nguy cơ cao đối mặt với tình trạng thiếu sắt.

Thực tế, bữa ăn ở trẻ em nông thôn và những vùng khó khăn thường rất ít dinh dưỡng, nhất là thực phẩm giàu sắt. Do đó, tỷ lệ trẻ bị thiếu vi chất sắt khá cao, thậm chí một số vùng đang ở mức báo động.

>> Tham khảo thêm: 6 loại vitamin và khoáng chất giúp trẻ thông minh

Dấu hiệu trẻ dưới 1 tuổi thiếu sắt

Nhận biết trẻ thiếu sắt sẽ giúp cha mẹ có kế hoạch bổ sung vi chất này cho bé hợp lý. Ở giai đoạn đầu của thiếu sắt, có thể dấu hiệu sẽ khá mờ nhạt, thậm chí khó phát hiện. Tuy nhiên, nếu so sánh với các bé khác mẹ vẫn có thể nhận biết được thông qua các dấu hiệu như:

1. Da xanh xao và nhợt nhạt

Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đang có nguy cơ thiếu sắt. Để nhận biết bé có thiếu sắt hay không, mẹ hãy quan sắt kỹ lòng bàn tay, niêm mạc mắt và cổ họng của bé. Nếu thiếu sắt, những bộ phận này sẽ tái nhợt và thiếu sức sống.

2. Biếng ăn, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc

Trẻ thiếu sắt luôn trong trạng thái mệt mỏi, ngay cả khi bé vận động thường ngày. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn, bỏ bú, tăng cân chậm. Thiếu sắt cũng khiến giấc ngủ của bé bị ảnh hưởng, trẻ thiếu sắt thường xuyên quấy khóc, ngủ không ngon giấc

3. Chậm chạp

Trẻ vận động khá chậm chạp, chậm phát triển về vận động như chậm ngồi, chậm đứng, chân tay yếu ớt và không có độ săn chắc. Đây là dấu hiệu sớm của trẻ thiếu sắt, mẹ chỉ cần tinh ý là có thể dễ dàng nhận ra khi so sánh với những bé cùng lứa tuổi.

4. Khó thở

Thiếu sắt khiến hemoglogin bị thiếu hụt, lượng oxy trong máu ít đi. Khi cơ thể không đủ máu để hoạt động, bắt buộc tim phải làm việc nhiều hơn nhằm cung cấp oxy cho tế bào. Nhịp tim tăng cao đồng nghĩa với việc bé khó thở và thở gắng sức.

5. Chóng mặt, đau đầu

Thiếu sắt đồng nghĩa với việc cơ thể không đủ oxy để cung cấp cho tế bào não. Các mao mạch bị sưng phù tạo áp lực lên thành mạch gây ra đau đầu, chóng mặt. Với trẻ 1 tuổi chưa biết nói nên nếu đau đầu, khó chịu bé sẽ quấy khóc hoặc sờ lên vùng đau trên đầu. Nếu nhận biết thấy dấu hiệu trên, mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi gặp bác sĩ  nhé.

6. Da, tóc hư tổn

Theo các chuyên gia, khi thiếu sắt cơ thể ưu tiên vận chuyển oxy cho tế bào quan trọng ở các cơ quan như hô hấp, não bộ, cơ bắp. Da và tóc bị thiếu hụt oxy trở nên khô ráp và yếu.

7. Móng tay giòn hình thìa

Triệu chứng này hiếm gặp, thường chỉ gặp ở trường hợp thiếu sắt nặng. Móng tay giòn, dễ gãy, đầu móng nứt chỉ. Nếu để lâu dài khiến móng nâng lên, phần giữa lõm xuống tạo hình thìa.

8. Hội chứng chân đứng không yên

Có tới 25% trẻ thiếu sắt mắc hội chứng này. Khi thiếu sắt, nồng độ máu trong cơ thể xuống thấp thôi thúc trẻ di chuyển bằng cách gây khó chịu lòng bàn chân khiến trẻ sơ sinh thường quấy khóc và vận lộn về đêm.

9. Suy giảm miễn dịch

Sắt có nhiệm vụ cấu tạo enzyme của hệ miễn dịch. Khi thiếu sắt, sức đề kháng trong cơ thể suy giảm khiến trẻ dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… Trẻ dưới 1 tuổi dễ bị ốm vặt, viêm đường hô hấy hay nhiễm trùng đường tiêu hóa…

10. Đánh trống ngực

Trẻ bị thiếu sắt khiến tim phải làm việc nhiều hơn nhằm bù lại lượng oxy cần thiết. Điều này không chỉ khiến bé khó thở mà còn phát ra âm thanh bình bịch – hay còn gọi là đánh trống ngực. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường ít gặp, chỉ xuất hiện ở trường hợp bệnh nặng.

11. Dấu hiệu khác

Ngoài các dấu hiệu kể trên, bé còn gặp các dấu hiệu như rối loạn ăn uống (thèm ăn những thứ không phải thực phẩm như đất đá, bụi bẩn,..), chân tay lạnh…

Khi mẹ phát hiện bé có một trong các dấu hiệu kể trên hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kịp thời phát hiện và điều trị sớm, phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra.

>> Tham khảo thêm: Một năm bổ sung sắt cho bé mấy lần?

Trẻ nào có nguy cơ thiếu sắt cao?

Những đối tượng trẻ nhỏ sau đây có nguy cơ thiếu sắt cao hơn so với bình thường:

  • Trẻ sinh non và có cân nặng thấp: Trẻ sinh thiếu tháng thời gian tích lũy sắt trong thai kỳ bị gián đoạn khiến nguồn cung cấp sắt đã cạn kiệt ở thời gian trước đó. Trẻ có nguy cơ bị thiếu sắt nhiều hơn.
  • Trẻ chỉ sử dụng sữa bò: Hàm lượng sắt trong sữa bò rất thấp không thể đáp ứng đủ nhu cầu sắt ở trẻ. Không những vậy, sữa bò còn làm giảm hấp thu sắt từ nguồn khác. Ngoài ra, sữa bò có thể làm kích ứng da. Vì vậy, bạn nên tránh cho bé sử dụng sữa bò trong năm đầu đời.
  • Chế độ ăn nghèo sắt: Sắt được hấp thu thông qua các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày. Nếu chế độ ăn uống nghèo sắt hoặc lựa chọn sản phẩm không lành mạnh sẽ khiến quá trình cung cấp cũng như hấp thu sắt bị giảm đi.
  • Trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh béo phì cũng làm giảm khả năng hấp thu sắt khiến bé có nguy cơ thiếu sắt cao hơn.

Điều trị và phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ

Trong hầu hết tất cả trường hợp, thiếu sắt ở trẻ em có thể được điều trị bằng cách bổ sung sắt hàng ngày thông qua chế độ dinh dưỡng hoặc bổ sung sắt theo hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ dưới 1 tuổi, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ. Bởi ngay từ trong bào thai, trẻ đã nhận sắt từ mẹ để phát triển và dự trữ.

Sau sinh, trẻ vẫn nhận được sắt thông qua nguồn sữa mẹ. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần được bú mẹ kết hợp ăn uống bổ sung. Bữa ăn cần đầy đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan động vật, trứng, tôm, cua, cá, ốc… Nguồn thực phẩm này không chỉ giàu sắt mà còn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ. Các thực phẩm nguồn gốc thực vật giàu sắt như các loại họ đậu, sản phẩm chế biến từ đậu tương, rau xanh lá….Mẹ hãy cho bé ăn thực phẩm giàu sắt kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu sắt.

Trong quá trình bổ sung sắt cho bé mẹ cần lưu ý nên bổ sung sắt ở trạng thái đói sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn. Tránh bổ sung sắt kèm với sữa có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể.

>> Tham khảo thêm: Nắm rõ 3 cách bổ sung sắt cho trẻ dưới 1 tuổi

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp cha mẹ có thêm kiến thức để nhận biết trẻ dưới 1 tuổi bị thiếu sắt. Từ đó, có kế hoạch cụ thể để đáp ứng đầy đủ nhu cầu sắt cho sự phát triển toàn diện của bé yêu.

Nguồn: Fogyma.vn

0 Nhận xét