Viêm tuyến nước bọt là bệnh lý được chẩn đoán khi có tình trạng sưng viêm, nhiễm trùng trong tuyến nước bọt. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm virus, vi khuẩn. Tùy theo mức độ viêm, vị trí tổn thương và các triệu chứng liên quan, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, giảm đau kết hợp bơm rửa ống tuyến, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Bệnh viêm tuyến nước bọt là gì?
Theo cấu tạo của cơ thể, xung quanh khoang miệng của chúng ta có nhiều tuyến nước bọt được phân bố rải rác. Chúng có chức năng sản xuất và tiết ra nước bọt có chứa enzym giúp hỗ trợ đường ruột tiêu hóa một phần thức ăn khi nhai và nghiền nát thực phẩm.
Các tuyến nước bọt được chia thành 3 cặp chính gồm:
- Tuyến nước bọt mang tai: Tuyến này phân bố ở hai bên má, phía trước tai và trải dài từ vành tai xuống dưới hàm. Đây là tuyến nước bọt lớn nhất.
- Tuyến nước bọt dưới hàm: Có quy mô lớn thứ nhì chính là tuyến dưới hàm nằm ngay phía sau và dưới quay hàm.
- Tuyến nước bọt dưới lưỡi: Cặp tuyến này có kích thước nhỏ hơn nằm phân bố hai bên lưỡi và sâu dưới sàn miệng…
Bên cạnh các tuyến chính, trên mặt còn nhiều tuyến nước bọt phụ khác có kích thuốc nhỏ được phân bố rải rác trong miệng. Khi chúng hoạt động, nước bọt sẽ đi theo ống tuyến và được đổ vào trong miệng để trộn lẫn với thức ăn hoặc duy trì độ ẩm cần thiết cho khoang miệng. Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ở bất cứ tuyến nước bọt nào, bao gồm cả tuyến chính và tuyến phụ.
Viêm tuyến nước bọt chỉ tình trạng sưng viêm, phù nề trong tuyến nước bọt hay các ống tuyến do bị nhiễm vi khuẩn, virus hay do dị ứng. Bệnh có thể gây tắc nghẽn ống tuyến và ảnh hưởng đến quá trình dẫn lưu nước bọt vào trong miệng.
Trong số các tuyến nước bọt thì tuyến mang tai cùng tuyến dưới hàm bị viêm nhiễm nhiều hơn cả. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ lứa tuổi nào, trẻ sơ sinh cũng không ngoại lệ. Các triệu chứng bệnh viêm tuyến nước bọt cấp tính thường xảy ra một cách đột ngột và có tính chất cấp tính.
Viêm tuyến nước bọt không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng cũng cần được điều trị sớm và đúng cách. Tránh để bệnh kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt
Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ở tuyến nước bọt vì những nguyên nhân sau:
- Nhiễm virus: Một số trường hợp bị viêm tuyến nước bọt do nhiễm virus, phổ biến nhất là virus Mumps. Loại virus này cũng chính là thủ phạm gây bệnh quai bị, viêm não và một số bệnh lý khác.
- Nhiễm vi khuẩn: Vi khuẩn có thể tấn công vào tuyến nước bọt do vệ sinh răng miệng kém. Chúng gây tổn thương cho tuyến nước bọt và dẫn đến nhiễm trùng. Thường gặp nhất là các chủng vi khuẩn Staphylococcus hoặc Stretococcus.
- Dị ứng: Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch hoạt động quá mạnh mẽ và tấn công nhầm lẫn vào tuyến nước bọt khiến bộ phận này bị sưng viêm, tổn thương.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tuyến nước bọt:
Bên cạnh các nguyên nhân trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị viêm truyến nước bọt như:
- Sử dụng một số loại thuốc tây: Chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin…
- Hóa trị, xạ trị ung thư
- Nhiễm độc chì
- Mất nước
- Mới được gây mê và phẫu thuật
- Lớn tuổi
- Sinh non, thiếu tháng
- Suy giảm hệ thống miễn dịch
- Nằm viện trong thời gian dài
- Suy gan, thận hoặc tuyến giáp
- Suy tim xung huyết
- Tiểu đường
- Suy dinh dưỡng
- Mắc bệnh sỏi tuyến nước bọt
- Nhiễm trùng miệng
- Nhiễm HIV/AIDS
- Hôị chứng Sjogren
- Bị trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác
- Tăng acid uric hay lipoprotein trong máu
- Bệnh xơ nang
- Bệnh Cushing
- Vệ sinh răng miệng kém hoặc chăm sóc răng miệng không đúng cách
Dấu hiệu viêm tuyến nước bọt
Bệnh viêm tuyến nước bọt có thể được nhận biết thông qua một số triệu chứng như:
- Sưng to ở khu vực mang tai hoặc dưới hàm ở vị trí tuyến nước bọt vị viêm. Tình trạng này cũng có thể gây biến dạng mặt hoặc gây xệ cằm, bạnh to ở vùng cổ.
- Bên ngoài vùng da bị sưng có biểu hiện căng bóng, có thể chuyển đỏ hoặc không đỏ
- Dùng tay sờ vào khu vực tổn thương có cảm giác nóng và đau. Trường hợp bị viêm tuyến nước bọt do virus thì ấn vào không lõm và ngược lại đối với các trường hợp bị nhiễm trùng di vi khuẩn.
- Nước bọt đặc quánh, tiết ra ít
- Lỗ ống Stenon có dấu hiệu viêm đỏ khi bị nhiễm vi khuẩn. Vuốt dọc ống tuyến thấy chảy mủ
- Hạch ở góc hàm bị sưng
- Vị giác kém
- Hôi miệng
- Đau và khó mở to miệng. Cảm giác đau cũng tăng lên khi nhai thức ăn
- Sốt
- Có cảm giác ớn lạnh trong người
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bạn nên tới bệnh viện khám khi cơ thể xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bị viêm tuyến nước bọt. Đặc biệt, hãy tìm gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Sốt cao
- Đau nhức nhiều
- Khó thở
- Khó nhai nuốt thức ăn
- Không thể mở miệng
Bệnh viêm tuyến nước bọt có lây không?
Viêm tuyến nước bọt không phải là căn bệnh lây nhiễm. Đến nay chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị lây truyền từ người mắc bệnh qua người khỏe mạnh ngay cả khi hôn nhau, quan hệ tình dục bằng đường miệng hay tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bị nhiễm bệnh.
Mặc dù vậy, bạn cũng không nên chủ quan bởi bệnh có thể khởi phát do rất nhiều tác nhân khác được đề cập ở trên. Hãy chủ động tìm hiểu rõ nguyên nhân để có hướng điều trị, dự phòng bệnh viêm tuyến nước bọt hiệu quả.
Biến chứng của bệnh viêm tuyến nước bọt
Ở mức độ nhẹ, bệnh viêm tuyến nước bọt thường chỉ mang đến một số triệu chứng khó chịu chứ không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm hoặc chữa trị bệnh không đúng cách, tình trạng nhiễm trùng ngày càng trở nên nghiêm trọng và lan rộng gây ra nhiều biến chứng như:
- Áp xe tuyến nước bọt: Tuyến nước bọt bị nhiễm trùng nghiêm trọng có thể làm mủ và tạo thành ổ áp xe bên trong.
- Phì đại tuyến nước bọt: Các trường hợp bị liên quan đến khối u lành tính có thể gặp biến chứng phì đại tuyến nước bọt, nhất là khi khối u gia tăng về kích thước.
- Mất cử động mặt: Trường hợp bị viêm tuyến nước bọt do khối u ác tính, vùng mặt bị tổn thương có thể bị mất cử động do sự phát triển nhanh chóng của khối u.
- Phá hủy tuyến: Viêm tuyến nước bọt tái đi tái lại gây tổn thương nghiêm trọng và có thể phá hủy tuyến nước bọt.
- Biến chứng ở các cơ quan khác: Nhiễm trùng trong tuyến nước bọt có thể lây lan đến các bộ phận lân cận và gây ra các biến chứng khác như viêm mô tế bào ( một dạng nhiễm trùng da xảy ra do vi khuẩn) hay bệnh Ludwig's angina ( biến chứng viêm mô tế bào cấp tính ảnh hưởng trực tiếp đến vùng sàn miệng và khiến lưỡi bị đẩy lên cao, từ đó làm bệnh nhân bị khó thở, khó nuốt thức ăn).
Chẩn đoán viêm tuyến nước bọt
Các phương pháp được áp dụng để chẩn đoán viêm tuyến nước bọt bao gồm:
– Thăm khám thực thể:
- Khai thác lịch sử mắc bệnh
- Trao đổi với bệnh nhân về các triệu chứng đang gặp phải
- Quan sát bằng mắt thường để kiểm tra sự bất cưng xứng về hình dạng cũng như kích thước của tuyến nước bọt hai bên mặt
- Tìm kiếm các dấu hiệu phù nề, sưng đỏ da ở khu vực tuyến nước bọt bị viêm
- Khám tuyến nước bọt bằng tay để xác định điểm đau và quan sát dòng nước bọt chảy ra.
- Thăm dò các ống tuyến bằng dụng cụ y tế giúp kiểm tra sự hiện diện của sỏi, khối u hay chỗ tắc của ống tuyến nước bọt
– Xét nghiệm la bô
Xét nghiệm này giúp xác định tình trạng nhiễm trùng trong tuyến nước bọt.
– Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X-quang tuyến nước bọt, mặt nhai hàm dưới
- Chụp cắt lớp điện toán (CT) giúp phát hiện ra những sự thay đổi bất thường trong cấu trúc của ống tuyến
- Siêu âm
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Chụp cản quang tuyến nước bọt
– Chẩn đoán phân biệt:
Bác sĩ dựa trên các xét nghiệm hoặc dấu hiệu lâm sàng để chẩn đoán phân biệt viêm tuyến nước bọt với các vấn đề khác như:
- Quai bị
- U tuyến nước bọt
- Tắc nghẽn tuyến nước bọt…
Cách điều trị bệnh viêm tuyến nước bọt
Tùy theo vị trí và mức độ viêm nhiễm của tuyến nước bọt mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Cụ thể như sau:
1. Chữa viêm tuyến nước bọt mang tai
Giai đoạn cấp tính
- Sử dụng thuốc kháng sinh dạng bôi có tác dụng tại chỗ hoặc thuốc uống chống nhiễm trùng toàn thân. Lựa chọn các loại thuốc có khả năng thải trừ qua ống nước bọt, chẳng hạn như Erythromycine.
- Dùng thuốc kích thích tiết nước bọt Pilocarpin 1%: Mỗi lần uống 6 – 10 giọt x 2 lần/ngày trước khi ăn. Mỗi đợt điều trị có thể kéo dài trong 5 – 7 ngày
- Sử dụng thuốc kháng viêm kết hợp với thuốc giảm đau
- Vật lý trị liệu bằng tia hồng ngoại, sóng ngắn hoặc xoa bóp nhẹ nhàng trên tuyến nước bọt bị viêm với dầu long não 1%
- Làm sạch tuyến ống Sténone bằng cách bơm rửa dung dịch Novocain 0.25 – 0,5% trong 2 – 3 ngày. Sau đó uống thuốc tăng tiết nước bọt kết hợp bơm 2ml thuốc kháng sinh trực tiếp vào trong tuyến để chống nhiễm trùng tại chỗ.
- Trường hợp viêm tuyến hóa mủ hoặc bị hoại tử tuyến: Làm kháng sinh đồ, sử dụng thuốc kháng sinh liều cao kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng liên quan. Trích rạch thảo mủ và bơm rửa trong 3 – 4 ngày nếu có ổ mủ.
Giai đoạn mãn tính:
- Điều trị bằng thuốc kháng sinh và kháng viêm theo đường uống
- Bơm kháng sinh hâm ấm sau khi đã bơm rửa tuyến kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng bên ngoài để tăng bài tiết nước bọt
- Súc miệng với nước ấm chứa kiềm
- Bơm Lipiodol 30% trực tiếp vào trong ống tuyến với liều lượng 1,5 – 2ml x 5 lần giúp ức chế quá trình xơ hóa tuyến và giảm thiểu tái phát các đợt cấp.
- Dùng Kali iodua, mỗi lần uống 1 thìa súp x 3 lần/ngày sau các bữa ăn. thời gian điều trị viêm tuyến nước bọt mang tai mãn tính bằng loại thuốc này kéo dài trong 1 – 2 tháng.
- Vật lý trị liệu: Chiếu tia hồng ngoại, chiếu sóng ngắn, laser, điện phân…
2. Điều trị viêm tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi
Giai đoạn cấp tính:
- Sử dụng dung dịch Nabica 0,5 – 1% đã được hâm nóng đến nhiệt độ khoảng 40 – 45oC để súc miệng
- Thoa dầu long não
- Áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn
- Dùng thuốc kích thích tăng nước bọt pilocarpin 10%. Mỗi lần uống 5 – 6 giọt x 3 lần trong ngày trước các bữa ăn.
- Sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp cùng với thuốc kháng viêm, giảm đau trong thời gian từ 7 – 10 ngày
- Trích tháo mủ trong trường hợp bị viêm tuyến nước bọt cấp hóa mủ
Giai đoạn mãn tính:
- Sử dụng thuốc kết hợp bổ sung các thực phẩm có khả năng kích thích tuyến nước bọt
- Bơm thông ống tuyến
- Dùng thuốc kháng sinh điều trị tại chỗ bằng cách bơm vào tuyến bị viêm
- Vật lý trị liệu
- Sử dụng thuốc Lipiodol 30% theo đường uống hoặc bơm trực tiếp vào tuyến
- Dùng thuốc kháng viêm, giảm đau
- Trường hợp bị viêm tuyến nước bọt mãn tính kéo dài hoặc có dấu hiệu bị xơ cứng sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tuyến dưới hàm.
Cách phòng ngừa viêm tuyến nước bọt
Một số phương pháp đơn giản dưới đây có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị viêm tuyến nước bọt:
- Chăm sóc răng miệng sạch sẽ. Thường xuyên đánh răng, ít nhất 2 lần mỗi ngày
- Súc miệng mỗi ngày với nước muối pha loãng để sát trùng khoang miệng, tiêu diệt vi khuẩn, virus hay nấm
- Sau khi ăn bánh kẹo hay đồ ngọt bạn nên đánh răng ngay. Hạn chế sử dụng các thực phẩm này vào buổi tối
- Sử dụng chỉ nha khoa để lấy hết các mẩu thức ăn thừa ra khỏi kẽ răng tại những vùng mà bàn chải không thể làm sạch được
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể, không để miệng bị khô
- Lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, giữ vệ sinh trong khâu chế biến và ăn uống
- Dùng xà phòng diệt khuẩn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn
- Mang khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc đến những nơi có nhiều bụi bẩn để bảo vệ khoang miệng và đường thở khỏi sự tấn công của các tác nhân có hại.
- Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan, không để nhiễm trùng lây lan gây viêm tuyến nước bọt.
Nhìn chung, bệnh viêm tuyến nước bọt là một vấn đề về răng miệng thường gặp và có thể gây ảnh hưởng đến việc ăn uống nếu như không được kiểm soát tốt. Để không phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, bạn nên tiến hành thăm khám và tích cực điều trị ngay khi mắc bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
The post Viêm tuyến nước bọt là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị appeared first on TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG THUỐC DÂN TỘC.
Xem các khuyến mãi của Concung.com:
[atcoupon type="concung"]
0 Nhận xét
Đăng nhận xét