Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là bệnh lý da liễu rất phổ biến. Đặc trưng bởi tình trạng da nổi các vết đỏ, mụn nước có mủ kèm sưng nóng, ngứa ngáy và đau rát. Cần chú ý điều trị và chăm sóc đúng cách để tránh tổn thương da lan rộng và trở nên nghiêm trọng.
Kiến ba khoang – Côn trùng gây bệnh viêm da tiếp xúc
Kiến ba khoang là loại côn trùng điển hình gây bệnh viêm da tiếp xúc. So với các loại côn trùng khác thì bệnh do kiến ba khoang gây ra thường bùng phát ở mức độ nặng nề hơn.
Tên khoa học của kiến ba khoang là Paederus thuộc họ Paederinae. Loại côn trùng này thoạt nhìn rất giống với kiến nên được dân gian gọi bằng nhiều tên như kiến lác, kiến nhốt, kiến ba khoang…
Về đặc điểm nhận dạng, kiến ba khoang có phần đầu nhỏ, hai râu đơn chia thành nhiều đốt nhỏ và mở rộng về phía trước. Phần bụng của loại côn trùng này chia làm 8 đốt, có khả năng uốn cong dễ dàng do có độ dẻo, các đốt màu đen và màu đỏ xếp xen lẫn với nhau. Phần mình có chứa 3 cặp chân.
Phía trên mình của kiến ba khoang có 2 đôi cánh. Đặc điểm của cánh là cứng, phần cánh ngoài che phủ được khoảng từ 3 – 4 đốt bụng. Phần cánh lụa ở dưới, nằm cuộn gọn trong cánh cứng. Kiến ba khoang có khả năng chạy và bay rất nhanh. Khi chạy nó thường có xu hướng cong phần đuôi lên giống như đuôi của bọ cạp.
Kiến ba khoang là loài côn trùng sống ở vùng nhiệt đới nóng ẩm. Chúng có khả năng sinh sản quanh năm nhưng chủ yếu vẫn là vào mùa mưa. Loại côn trùng này hoạt động nhiều vào ban ngày còn ban đêm chúng thích những chỗ sáng.
Chất độc mà kiến ba khoang tiết ra gọi là Pavan. Chất độc này có khả năng gây phỏng tương tự như chất độc Cantharidin của loài sâu ban miêu. Trường hợp da người tiếp xúc với Pavan có thể gây viêm da bọng nước. Kèm theo đó là cảm giác nóng rát da rất khó chịu.
Dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là vấn đề da liễu phổ biến. Đặc trưng bởi tổn thương da do tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang hay các dị nguyên có trên loại côn trùng này.
Tổn thương da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường có xu hướng bùng phát mạnh vào một thời điểm nhất định trong năm. Nhất là vào giai đoạn chuyển mùa hay khi thời tiết nóng ẩm.
Dịch tiết từ kiến ba khoang có thể khiến da bị kích thích và gây ra hiện tượng viêm, châm chích, ngứa ngáy. Kèm theo đó là tình trạng nổi mụn nước gây nóng rát da.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường gây ra những tổn thương da có hình thái điển hình và tương đối dễ nhận biết. Sau khi tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang, da bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng, bao gồm:
- Tổn thương xuất hiện ngay tại vị trí tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang.
- Da bắt đầu xuất hiện các đốm hay dải ban đỏ. Hình dạng và kích của các đốm ban không đều nhau.
- Ban da có bề mặt gồ lên và nổi cộm hơn so với các vùng da xung quanh.
- Trên bề mặt các đốm hay dải ban da có xuất hiện mụn nước nhỏ và các bọng nước lớn có kích thước từ vài mm cho đến vài cm. Chúng thường gây ngứa ngáy, đau rát rất khó chịu.
- Sau đó mụn nước có thể chuyển thành dạng mụn mủ có chứa dịch đục bên trong.
- Với các trường hợp nhẹ thì tổn thương trên da có thể vỡ ra, khô và lành hẳn sau khoảng 5 – 7 ngày.
- Trường hợp tổn thương nặng thì dịch tiết từ kiến ba khoang có thể khiến tổn thương da lan rộng. Kèm theo đó còn gây bọng mủ, chảy dịch, lở loét và hoại tử.
- Nếu dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với vùng gần mắt thì mí mắt còn bị sưng lên. Tổn thương ở bẹn có thể khiến vùng bẹn nổi hạch, sưng to, gây đau nhức và khó khăn khi đi lại.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường xảy ra ở các vùng da hở như tay, chân, cổ và mặt. Bên cạnh những tổn thương tại chỗ thì viêm da do kiến ba khoang còn gây ra các triệu chứng toàn thân. Điển hình như sốt, nổi hạch, mệt mỏi, đau nhức trong vài ngày đầu. Một số ít trường hợp còn có thể bị đau nhức khớp ở gần các vùng da bị tổn thương.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có nguy hiểm không?
So với các loại côn trùng khác thì tổn thương da do dịch tiết của kiến ba khoang gây ra thường bùng phát ở mức độ nặng hơn. Đa số các trường hợp phải can thiệp điều trị y tế. Các triệu chứng của bệnh có thể khiến da bị nổi mụn mủ, ngứa ngáy, châm chích rất khó chịu. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và yếu tố thẩm mỹ.
Với các trường hợp không điều trị đúng cách thì tổn thương da có thể lan rộng và trở nên nặng nề. Có thể gây ra các ảnh hưởng và biến chứng như:
– Viêm da tiếp xúc bội nhiễm:
Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn và các tác nhân gây hại xâm nhập vào tổn thương da. Từ đó kích hoạt nhiễm trùng, gây sưng viêm và đau nhức. Trường hợp không xử lý kịp thời thì bội nhiễm sẽ khiến da bị phù nề nặng. Đồng thời còn làm tăng thân nhiệt và gây đau nhức cơ thể.
– Để lại sẹo thâm:
Tổn thương do kiến ba khoang gây ra có thể khiến nền da bị tối màu và thâm sạm sau điều trị. Nhất là ở các trường hợp bị nặng, da sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi. Điều này ảnh hưởng xấu đến yếu tố ngoại hình, gây tâm lý tự ti, e ngại. Đặc biệt là khi để lại thâm sẹo ở vùng da mặt.
– Nguy cơ tái phát cao:
Kiến ba khoang là loại côn trùng sinh sản và phát triển rất mạnh vào mùa mưa hay thời điểm thời tiết nóng ẩm. Trường hợp không chủ động phòng tránh thì tình trạng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang sẽ dễ tái phát nhiều lần. Từ đó làm phát sinh tổn thương da nặng nề và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn.
Cách xử lý khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là một trong những tình trạng da liễu khá phổ biến. Để nhanh chóng khắc phục tổn thương da và ngăn ngừa bội nhiễm thì người bệnh cần chú ý xử lý và điều trị đúng cách.
1. Dùng nước muối sinh lý làm sạch da
Sau khi tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang thì tốt nhất bạn nên nhanh chóng vệ sinh da với nước muối sinh lý. Nếu không có sẵn nước muối thì có thể dùng nước mát để loại bỏ dịch tiết côn trùng và làm dịu vùng da tổn thương.
Sau đó, nên dùng nước muối sinh lý hay nước muối loãng tự pha để ngâm rửa hoặc chườm đắp. Cách này giúp làm dịu da, giảm sưng viêm, hạn chế tổn thương bùng phát mạnh.
Hơn nữa, nếu xử lý nhanh thì bạn có thể loại bỏ được dịch tiết của kiến ba khoang. Đồng thời làm giảm mức độ cũng như phạm vi ảnh hưởng của tổn thương da.
2. Sử dụng các loại thuốc bôi
Sau khi vệ sinh da thì nên sử dụng các loại thuốc bôi để sát trùng và làm giảm viêm. Nhiều loại thuốc bôi ngoài có thể giúp vùng da tổn thương khô và se lại.
Một số loại thuốc bôi có thể đáp ứng với bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang bao gồm:
– Hồ nước:
Đây là dung dịch dùng ngoài da có khả năng sát trùng nhẹ, làm dịu da và giảm viêm. Có thể dùng hồ nước khi tổn thương mới bùng phát. Thuốc được sử dụng với tần suất khoảng 1 – 2 lần/ ngày.
– Dung dịch Jarish:
Dung dịch Jarish có chứa hoạt chất Acidum boricum và Glycerum. Nhờ đó mà có tác dụng làm sạch da và làm giảm sưng viêm. Đồng thời ngăn ngừa bội nhiễm da. Tần suất sử dụng loại thuốc này là khoảng 1 – 3 lần/ ngày.
– Thuốc mỡ kháng sinh:
Thuốc mỡ kháng sinh chỉ nên dùng khi tổn thương da đã khô hoàn toàn. Các loại được sử dụng phổ biến bao gồm Eumovate, Fucicort và Gentrison. Tác dụng chính của nhóm thuốc này là làm giảm viêm, ngứa ngáy và hạn chế nhiễm trùng kích hoạt.
Trong các trường hợp tổn thương da nổi bọng mủ, có bội nhiễm kích hoạt thì người bệnh cần sử dụng các loại dung dịch có khả năng sát trùng cao. Điển hình như:
– Thuốc tím:
Kali permanganate là thành phần chính của thuốc tím. Nó có đặc tính oxy hóa cao với khả năng tiêu diệt hiệu quả hại khuẩn và nấm men trên bề mặt da. Trường hợp tổn thương da lan rộng thì có thể pha thuốc tím theo chỉ dẫn của bác sĩ để tắm hoặc ngâm rửa.
– Dung dịch Milian:
Dung dịch Milian có chứa hoạt chất chính là xanh methylen. Nhờ đó mà mang đến công dụng sát trùng nhẹ. Đồng thời phá vỡ các phân tử virus khi tiếp xúc với ánh sáng. Thuốc được dùng nếu viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra tổn thương da có mủ.
3. Dùng thuốc uống trong trường hợp cần thiết
Đa phần các trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể thuyên giảm nhanh sau khi dùng thuốc bôi ngoài. Tuy nhiên trong một số trường hợp, dịch tiết từ kiến ba khoang có thể gây tổn thương da sâu và nặng nề. Đặc biệt là ở những người có làn da mỏng, nhạy cảm và miễn dịch kém.
Với các trường hợp này thì người bệnh nên kết hợp dùng một số loại thuốc uống. Cụ thể như sau:
– Thuốc kháng histamine tổng hợp:
Thuốc kháng histamine tổng hợp có tác dụng làm giảm ngứa ngáy và tình trạng quá mẫn trên da do tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang. Một số thuốc được dùng phổ biến bao gồm Diphenhydramin, Promethazin, Loratadin, Clorpheniramin…
– Thuốc giảm đau:
Thuốc giảm đau được dùng khi bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây sốt nhẹ, sưng hạch, đau nhức và mệt mỏi. Bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc giảm đau như Acetaminophen, Diclofenac và Naproxen.
– Thuốc kháng sinh:
Trường hợp có bội nhiễm kích hoạt thì việc sử dụng kháng sinh đường uống là cần thiết. Kháng sinh đường uống sẽ giúp ức chế vi khuẩn. Từ đó làm giảm mức độ tổn thương da, ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn huyết.
4. Hướng dẫn chăm sóc
Trong thời gian điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thì người bệnh cần chú ý kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều này sẽ giúp hỗ trợ khắc phục triệu chứng và thúc đẩy tổn thương da chóng lành.
Các giải pháp bao gồm:
– Chườm lạnh:
Chườm lạnh trực tiếp lên vùng da tổn thương có thể khắc phục tình trạng sưng đỏ, viêm đau và ngứa ngáy. Tuy nhiên cách này chỉ có thể áp dụng khi mụn nước chưa vỡ. Đồng thời nếu tổn thương da có bội nhiễm thì cũng tuyệt đối không được áp dụng.
– Giữ vệ sinh da:
Việc giữ vệ sinh da rất quan trọng khi da đang bị tổn thương. Điều này giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy vết thương chóng lành hơn. Có thể sử dụng nước muối sinh lý để lau rửa khoảng 2 – 3 lần/ ngày.
– Một số thói quen khác:
Ngoài việc chườm lạnh và giữ vệ sinh da thì bạn cần chú ý đến một số thói quen khác để hỗ trợ tốt hơn. Nên mặc quần áo rộng thoáng để làm giảm ma sát lên da. Đồng thời chú ý không được cào gãi hay chà xát lên vùng da tổn thương.
Cách phòng ngừa viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Kiến ba khoang là côn trùng sinh sản quanh năm. Chúng đặc biệt phát triển mạnh vào mùa mưa hay khi khí hậu nóng ẩm. Vì vậy khả năng tái phát bệnh viêm da tiếp xúc do loại côn trùng này là rất cao.
Chính vì vậy, sau khi điều trị nên chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Vào buổi tối cần chú ý đóng kín cửa sổ và kéo rèm để tránh kiến ba khoang và các loại côn trùng khác chui vào nhà.
- Thường xuyên kiểm tra mềm chiếu, phòng ngủ để tránh côn trùng ẩn nấp. Trước khi ngủ nên giũ qua chăn gối 1 vài lần.
- Tuyệt đối không trực tiếp chạm tay vào côn trùng sống hay đã chết. Cần dùng bao tay hay dùng chổi để hạn chế tiếp xúc với côn trùng, tránh bị viêm da.
- Vào thời điểm mưa nhiều hay những ngày thời tiết nóng ẩm nên thường xuyên vệ sinh không gian sống. Đồng thời dùng thuốc xịt côn trùng. Cách này giúp loại bỏ nấm mốc, bụi bẩn và tiêu diệt côn trùng hiệu quả.
- Không nên phơi quần áo vào ban đêm bởi kiến ba khoang có thể để lại dịch tiết. Từ đó gây tổn thương da khi chạm vào hay khi mặc quần áo.
- Tốt nhất nên phun thuốc diệt côn trùng định kỳ để làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
- Giũ sạch áp quần, khăn tắm trước khi sử dụng. Nên thường xuyên giặt vỏ gối, drap giường và mền.
- Dùng găng tay, mang ủng khi làm vườn, thu hái rau củ và trái cây.
- Trường hợp vô tình chạm phải dịch tiết của kiến ba khoang nên rửa sạch với nước mát và nước muối sinh lý ngay.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là một trong những tình trạng da liễu rất dễ gặp phải. Can thiệp điều trị và chăm sóc đúng cách tổn thương da có thể thuyên giảm nhanh sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên với các trường hợp chủ quan, tổn thương có thể lan rộng và bị lở loét, bội nhiễm nếu không chú ý điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
The post Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và cách xử lý appeared first on TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG THUỐC DÂN TỘC.
Xem các khuyến mãi của Concung.com:
[atcoupon type="concung"]
0 Nhận xét
Đăng nhận xét