Sổ mũi đau họng xảy ra khi cơ quan hô hấp trên bị viêm sưng do nhiễm trùng hoặc dị ứng. Triệu chứng này thường có mức độ nhẹ đến trung bình và dễ dàng thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc hoặc áp dụng một số mẹo chữa tại nhà.
Các nguyên nhân phổ biến gây sổ mũi và đau họng
Sổ mũi, đau họng xảy ra khi niêm mạc hầu họng và đường thở bị kích thích, gây phù nề và sưng viêm. Triệu chứng này có thể khởi phát do các nguyên nhân sau đây:
- Cảm lạnh và cảm cúm: Cảm lạnh và cảm cúm xảy ra khi cơ quan hô hấp trên (chủ yếu là mũi và họng) bị tổn thương bởi virus cúm, rhinovirus, hút thuốc lá, thời tiết thay đổi,… Bệnh có thể gây sổ mũi, đau họng kèm theo các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau cơ, chóng mặt,…
- Viêm họng và viêm amidan: Các bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc ở cổ họng và amidan bị nhiễm trùng bởi virus hoặc vi khuẩn. Viêm amidan và viêm họng đặc trưng bởi tình trạng cổ họng sưng đau, khàn tiếng, sổ mũi, sốt, sưng hạch ở cổ,…
- Viêm xoang: Xoang là các mô lót nằm ở mũi, má và trán có vai trò dẫn lưu dịch giữa các cơ quan này. Tình trạng viêm xoang xảy ra có thể khiến quá trình lưu thông bị gián đoạn, gây ra triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, nặng mặt, chóng mặt, đau đầu, đau họng,…
- Viêm mũi: Viêm mũi là tình trạng niêm mạc mũi bị sưng viêm do dị ứng hoặc nhiễm trùng. Bệnh lý này khiến đường thở phù nề, sung huyết và gây chảy nước mũi, ứ đờm ở cổ họng, đau rát họng, mệt mỏi, chóng mặt,…
Bị sổ mũi đau họng nên uống và dùng thuốc gì?
Sổ mũi và đau họng là triệu chứng thường gặp và có thể được cải thiện bằng cách sử dụng thuốc uống và thuốc điều trị tại chỗ.
Các loại thuốc trị sổ mũi và đau họng được dùng phổ biến, bao gồm:
- Kẹo ngậm thảo dược: Có tác dụng làm dịu niêm mạc và giảm sưng đau ở cổ họng. Ngoài ra có một số viên ngậm còn có khả năng giảm ứ đờm và ho kéo dài.
- Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Loại thuốc này có tác dụng giảm phù nề, nghẹt và chảy nước mũi. Tuy nhiên thuốc xịt chứa corticoid có thể gây khô mũi, vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn.
- Nước rửa mũi chứa NaCl 0.9%: Sử dụng dung dịch NaCl 0.9% vệ sinh mũi có tác dụng làm dịu niêm mạc, loại bỏ dị nguyên và thúc đẩy quá trình đào thải dịch tiết hô hấp.
- Thuốc giảm đau: Ở một số trường hợp, đau họng có thể kèm theo sốt cao và đau nhức cơ thể. Với trường hợp này, bạn có thể dùng Acetaminophen để giảm thân nhiệt và cải thiện cơn đau.
Khi sử dụng thuốc điều trị sổ mũi và đau họng, nên tuân thủ hướng dẫn của dược sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn và một số tình huống rủi ro.
Các mẹo chữa sổ mũi đau họng ngay tại nhà
Sổ mũi, đau họng là các triệu chứng thường gặp và có mức độ không quá nghiêm trọng. Vì vậy bạn có thể áp dụng song song các mẹo chữa tại nhà với việc sử dụng thuốc.
1. Mẹo giảm đau họng và sổ mũi với mật ong
Sử dụng mật ong có thể làm giảm các triệu chứng do nhiễm trùng tai mũi họng gây ra. Với hàm lượng phenolic và acid hữu cơ dồi dào, mật ong có tác dụng bảo vệ và làm dịu niêm mạc cổ họng.
Ngoài ra nguyên liệu này còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng (bao gồm protein, chất béo, đường và chất xơ) có tác dụng nâng cao khả năng đề kháng và hỗ trợ ức chế nhiễm trùng ở cơ quan hô hấp trên.
Thực hiện:
- Hòa tan 3 – 4 thìa mật ong nguyên nhân chất với 200ml nước ấm
- Có thể thêm 1 ít nước cốt chanh để gia tăng hương vị
- Uống từng ngụm nhỏ để làm giảm sổ mũi, ngứa và đau rát họng
2. Xông mũi với gừng tươi
Xông mũi với gừng tươi là biện pháp giảm triệu chứng của bệnh viêm mũi họng (cảm lạnh). Hoạt chất diaphoretic trong gừng có tác dụng làm ấm cơ thể và thúc đẩy hoạt động bài tiết mồ hôi nhằm giải cảm.
Ngoài ra hàm lượng vitamin C trong gừng còn có khả năng tăng sức đề kháng, ức chế vi khuẩn và virus gây bệnh ở đường hô hấp. Vì vậy áp dụng mẹo xông mũi với gừng tươi có thể cải thiện nhanh chóng các triệu chứng khó chịu và rút ngắn thời gian phục hồi.
Thực hiện:
- Rửa sạch 2 – 3 củ gừng và thái thành sợi nhỏ
- Sau đó đun sôi 1.5 lít nước và thả gừng vào
- Dùng khăn trùm đầu và xông hơi trong khoảng 10 phút
- Sau khi xông hơi, có thể xì mũi để loại bỏ dịch tiết ứ đọng bên trong
Ngoài ra bạn cũng có thể giảm triệu chứng bằng cách bổ sung các món ăn và thức uống từ gừng.
3. Dùng tỏi giảm đau họng và chảy nước mũi
Tỏi được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên loại gia vị này cũng được dân gian tận dụng để điều trị các vấn đề sức khỏe thường gặp như viêm họng, cảm lạnh, cúm, viêm amidan,…
Tỏi có tác dụng kháng khuẩn tương tự như thuốc kháng sinh, do đó có thể hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn và virus gây nhiễm trùng tai mũi họng.
Thực hiện:
- Chuẩn bị 300g tỏi tươi đã bóc vỏ
- Xếp tỏi vào hũ thủy tinh và đổ khoảng 400g mật ong vào
- Ngâm trong vòng 7 ngày là dùng được
- Mỗi ngày dùng khoảng 3 thìa (nên dùng trước khi ăn)
Hoặc bạn có thể nướng chín vài tép tỏi và ăn trực tiếp nếu không có nhiều thời gian thực hiện mẹo chữa sổ mũi đau họng bằng tỏi ngâm mật ong.
4. Uống trà xanh giúp giảm đau họng
Các polyphenol trong trà xanh có tác dụng làm dịu hầu họng và phục hồi các mô bị nhiễm trùng. Ngoài ra trà xanh còn chứa catechin giúp ức chế virus và tiêu diệt vi khuẩn.
Uống trà xanh thường xuyên có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng của viêm họng, viêm xoang và cảm cúm. Ngoài ra trà xanh còn chứa EGCG giúp tiêu trừ các gốc tự do và nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể.
Thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá trà xanh tươi
- Sau đó đun sôi với 1 lít nước
- Chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày
Tuy nhiên trà xanh chứa hàm lượng tannin lớn, có nguy cơ làm giảm hấp thu acid folic và sắt trong thực phẩm. Vì vậy tránh sử dụng mẹo chữa này khi đang mang thai hoặc bị thiếu máu.
5. Hỗ trợ làm giảm đau họng và sổ mũi với cam thảo
Cam thảo được khuyến khích sử dụng khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Dược liệu này có thể làm sạch dịch đờm ứ đọng bên trong cổ họng và mũi, từ đó làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng và nghẹn vướng khi nuốt.
Ngoài ra, cam thảo còn có đặc tính kháng khuẩn, giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và loại trừ các vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Thực hiện:
- Nhai trực tiếp 1 – 2 lát cam thảo và nuốt lấy nước, sau nhả bã
- Hoặc hãm 1 ít cam thảo với 200ml nước sôi trong 20 phút và dùng như trà
Tuy nhiên cam thảo có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị chứa corticoid. Vì vậy cần tránh sử dụng phối hợp để hạn chế các tình huống rủi ro phát sinh.
Phòng ngừa triệu chứng sổ mũi và đau họng
Sổ mũi, đau họng là các triệu chứng có mức độ nhẹ và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên tình trạng tái phát nhiều lần có thể gây cảm giác khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Vì vậy bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để dự phòng tình trạng tái phát:
- Giữ ấm cho cơ thể và đeo khẩu trang khi thời tiết thay đổi đột ngột.
- Luyện tập thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng và giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ngủ đủ giấc, uống nhiều nước và xây dựng chế độ ăn hợp lý.
- Tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách với người nhiễm bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng, nhất là khi tiếp xúc với các vật dụng và thiết bị công cộng.
Sổ mũi và đau họng là các triệu chứng có liên quan đến tình trạng viêm ở cơ quan hô hấp trên. Trong trường hợp điều trị sớm, triệu chứng có thể thuyên giảm sau 3 – 7 ngày. Tuy nhiên nếu không tiến hành can thiệp, bệnh tình có thể kéo dài và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Có thể bạn quan tâm:
The post Sổ mũi đau họng – Ai cũng từng gặp, chữa khỏi không khó appeared first on TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG THUỐC DÂN TỘC.
Xem các khuyến mãi của Concung.com:
[atcoupon type="concung"]
0 Nhận xét
Đăng nhận xét