Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh được thực hiện khi nam giới có tinh dịch đồ bất thường, khó khăn trong quá trình thụ thai và các triệu chứng của bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên phương pháp này có thể đi kèm với một số rủi ro và biến chứng hậu phẫu như nhiễm trùng, tổn thương ống dẫn tinh và có nguy cơ tái phát cao.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi trưởng thành. Bệnh xảy ra khi van điều chỉnh hướng và lưu lượng máu ở tĩnh mạch bị suy yếu. Dẫn đến tình trạng ứ máu, gây áp lực lên tĩnh mạch và khiến cơ quan này bị giãn phình quá mức.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng, giãn tĩnh mạch thừng tinh có mối liên hệ mật thiết với tình trạng suy tĩnh mạch mãn tính, ít vận động và béo phì.
Một số trường hợp mắc bệnh nhưng không hề nhận thấy bất cứ triệu chứng thực thể và cơ năng nào. Tuy nhiên khi hiện tượng giãn phình nghiêm trọng hơn, nam giới có thể nhận thấy một số biểu hiện như: Đâu âm ỉ ở bìu trái, tinh hoàn co lại và có xu hướng ấm hơn những vùng da xung quanh,…
Khi nào nên phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có 4 cấp độ, bao gồm cấp độ 0 đến cấp độ 3. Với các trường hợp cấp độ 0 và 1, bệnh thường không gây ra triệu chứng nên bác sĩ có thể yêu cầu theo dõi và không áp dụng các biện pháp điều trị.
Can thiệp điều trị chỉ được thực hiện với những người bị giãn mạch thừng tinh gây ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng, chức năng sinh sản và chất lượng cuộc sống.
Thông thường, điều trị nội khoa là lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên với một số trường hợp không có đáp ứng và mức độ bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành các thủ thuật ngoại khoa.
Mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh được chỉ định trong những trường hợp sau đây:
- Một bên tinh hoàn (thường là bên trái) có dấu hiệu suy giảm chức năng và kích thước.
- Phân tích tinh dịch đồ nhận thấy kết quả bất thường.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh nghiêm trọng khiến tinh hoàn và bìu sưng đau, ảnh hưởng đến hoạt động làm việc và sinh hoạt.
- Nam giới có mong muốn có con nhưng gặp khó khăn trong việc thụ thai – trong khi sức khỏe sinh sản của người vợ hoàn toàn bình thường.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh gây xuất tinh sớm và rối loạn cương dương.
Phần lớn các trường hợp sau phẫu thuật đều có cải thiện đáng kể về số lượng, chất lượng tinh trùng và tăng khả năng thụ thai. Ngoài phẫu thuật còn giúp cải thiện các triệu chứng như bìu sưng đau, nặng bìu, đau nhức, khó chịu,…
Các phương pháp phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh cần đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Bảo tồn nguyên vẹn mạch bạch huyết và ống dẫn tinh.
- Xử trí và giải quyết tình trạng giãn phình ở hệ thống tĩnh mạch thừng tinh.
- Bảo tồn động mạch ống dẫn tinh và động mạch tinh trong.
Hiện nay có khá nhiều kỹ thuật mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh. Các kỹ thuật phổ biến, bao gồm:
1. Thuyên tắc mạch máu
Thuyên tắc mạch máu là phương pháp phẫu thuật tạm thời nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp máu cho tĩnh mạch thừng tinh. So với phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch, thuyên tắc mạch máu có mức độ xâm lấn, ít gây đau và hạn chế tổn thương các cơ quan lân cận.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ, sau đó tiến hành luồn kim vào tĩnh mạch và thắt tĩnh mạch bị phình giãn. Thuyên tắc mạch máu là lựa chọn ưu tiên khi can thiệp ngoại khoa. Tuy nhiên vì không xử lý được căn nguyên nên có đến 19.3% nam giới không có đáp ứng với phương pháp này.
2. Phẫu thuật nội soi thắt tĩnh mạch tinh trong
Phương pháp này sử dụng kỹ thuật nội soi nhằm thắt tĩnh mạch bị phình giãn. Tuy nhiên phẫu thuật nội soi thắt tĩnh mạch tinh trong vẫn có khả năng tái phát cao.
Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là mức độ xâm lấn thấp, ít gây đau và thời gian phục hồi nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó phẫu thuật này cũng hạn chế được các biến chứng hậu phẫu.
3. Phẫu thuật truyền thống qua bìu hoặc bẹn
Phẫu thuật truyền thống qua bìu hoặc bẹn là phẫu thuật mổ mở nhằm khắc phục tình trạng giãn ở tĩnh mạch thừng tinh. Kỹ thuật này được đánh giá đơn giản hơn so với các kỹ thuật còn lại. Tuy nhiên phẫu thuật qua bìu hoặc bẹn thường có nguy cơ tái phát cao nhất.
Hơn nữa mổ mở có mức độ xâm lấn cao nên thường gây đau nhức sau phẫu thuật và cần nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn.
4. Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh trong sau phúc mạc
Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh trong sau phúc mạc được thực hiện bằng cách mổ mở. Tỷ lệ tái phát ở phương pháp này dao động từ 7 – 33% ở người trưởng thành và 15 – 45% ở trẻ nhỏ.
5. Phẫu thuật vi phẫu đường bẹn
Phẫu thuật này được thực hiện bằng các máy móc, thiết bị hiện đại và phẫu thuật viên được đào tạo kỹ thuật vi phẫu. Thời gian thực hiện thường kéo dài từ 2 – 3 tiếng. Phẫu thuật vi phẫu đường bẹn đem lại kết quả cao và hạn chế được nguy cơ tái phát.
Lưu ý trước và sau khi mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh
1. Trước khi phẫu thuật
Để giảm rủi ro và biến chứng nguy hiểm, trước khi phẫu thuật bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Thông báo với bác sĩ tất cả các loại đang sử dụng, bao gồm cả thuốc điều trị, thảo dược và viên uống bổ sung. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng sử dụng mọt số loại thuốc có ảnh hưởng đến quá trình đông máu như Aspirin, Warfarin,…
- Không sử dụng thuốc lá, chất kích thích và rượu bia trước khi phẫu thuật ít nhất 7 – 10 ngày.
- Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng ăn uống trong 7 – 10 giờ trước khi phẫu thuật (tùy trường hợp và kỹ thuật mổ).
- Sau phẫu thuật, bạn có thể phải ở lại bệnh viện để theo dõi. Vì vậy bạn nhờ người thân đi cùng và sắp xếp thời gian để dưỡng bệnh.
2. Sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, bạn sẽ phải ở lại bệnh viện vài ngày để theo dõi. Nếu không có dấu hiệu bất thường, bạn có thể trở về nhà để chăm sóc và nghỉ ngơi. Trong thời gian này, nên xây dựng chế độ chăm sóc đúng cách để đẩy nhanh tốc độ hồi phục và ngăn ngừa biến chứng phát sinh.
Chế độ chăm sóc sau khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh:
- Để giảm cơn đau và dự phòng nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau và kháng sinh trong vòng vài ngày. Do đó bạn nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Nên nghỉ ngơi tại giường, đi lại nhẹ nhàng và tránh vận động mạnh trong vài ngày sau phẫu thuật.
- Làm sạch vết mổ và thay băng hằng ngày để tránh viêm nhiễm.
- Nếu nhận thấy bìu sưng nóng, bạn có thể chườm túi lạnh để giảm sưng viêm trong các trường hợp cần thiết.
- Không dùng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích vì các thói quen này làm tăng nguy cơ chảy máu kéo dài.
- Nếu bị táo bón, bạn không nên cố rặn khi đại tiện. Thay vào đó, cần trao đổi với bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc nhuận tràng.
- Không tập các bộ môn có cường độ cao, mang vác nặng và quan hệ tình dục trong 2 – 4 tuần sau phẫu thuật. Bạn chỉ nên thực hiện các hoạt động này trở lại khi có sự cho phép của bác sĩ.
- Tránh tắm bồn và bơi lội sau khi phẫu thuật vì vết mổ có thể bị nhiễm trùng và chậm hồi phục.
Mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh có nguy hiểm không?
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh là thủ thuật ngoại khoa khá phổ biến. Hiện nay phẫu thuật này đã được ứng dụng các kỹ thuật giảm mức độ xâm lấn như vi phẫu và nội soi. Do đó hầu hết các trường hợp sau khi thực hiện đều nhận thấy các cải thiện rõ rệt và có thời gian phục hồi ngắn.
Tuy nhiên can thiệp ngoại khoa luôn đi kèm với các rủi ro và biến chứng tiềm ẩn. Vì vậy ở một số ít trường hợp, phương pháp này có thể gây ra các biến chứng sau:
- Nhiễm trùng
- Bí tiểu
- Tổn thương các cơ quan lân cận (ống dẫn tinh, mạch bạch huyết,…)
- Tái phát trở lại (khoảng 5 – 10% các trường hợp)
Hầu hết các biến chứng sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh đều có thể khắc phục nếu phát hiện và xử trí sớm. Vì vậy bạn nên thông báo ngay với bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng sau đây:
- Chóng mặt
- Sốt cao (thường trên 38.5 độ C)
- Bìu sưng đỏ và không thuyên giảm sau khi chườm lạnh
- Bí tiểu
- Khó khăn khi tiểu tiện
- Có cảm giác tụ dịch ở xung quanh tinh hoàn
- Vết mổ đỏ, sưng đau và tiết mủ/ dịch
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể cải thiện được số lượng, chất lượng tinh trùng, tăng khả năng thụ thai và khắc phục các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên có 5 – 10% các trường hợp bị tái phát sau phẫu thuật. Vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ can thiệp ngoại khoa trong các trường hợp cần thiết.
Có thể tham khảo thêm: Đau tinh hoàn và bụng dưới – Nguyên nhân, cách khắc phục
The post Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh khi nào, nguy hiểm không? appeared first on TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG THUỐC DÂN TỘC.
Xem các khuyến mãi của Concung.com:
[atcoupon type="concung"]
0 Nhận xét
Đăng nhận xét