Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là tình trạng suy giảm mật độ xương do thiếu nguồn máu nuôi dưỡng. Bệnh tiến triển theo thời gian và có nguy cơ sụp xương, tàn phế nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là gì?
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi hay còn gọi là hoại tử chỏm xương đùi là thuật ngữ đề cập đến tình trạng xương bị hoại tử do thiếu nguồn máu nuôi dưỡng. Tình trạng hoại tử vô mạch thường xảy ra ở khớp háng, chỏm xương đùi, xương đầu gối và cánh tay, trong đó chỏm xương đùi là vị trí thường gặp nhất.
Cơ chế gây bệnh là do mạch máu bị tổn thương gây gián đoạn quá trình tuần hoán máu, dẫn đến tình trạng sụt giảm mô và tế bào xương. Quá trình hoại tử này không có sự can thiệp của vi khuẩn nên còn gọi là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.
Nguyên nhân gây bệnh và Yếu tố rủi ro
Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là do quá trình tuần hoàn máu đến xương bị cản trở trong một thời gian dài.
Theo các chuyên gia Cơ xương khớp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do:
- Chấn thương: Chấn thương là nguyên nhân chủ yếu gây hoại tử vô mạch xương. Thông thường tác động từ chấn thương có thể gây tổn thương xương lẫn các mô mềm xung quanh như gân, dây thần kinh và mạch máu. Mạch máu bị tổn thương có thể làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến chỏm xương đùi và khiến xương bị sụt giảm về số lượng.
- Mạch máu bị hẹp: Mạch máu có thể bị thu hẹp dẫn đến tình trạng giảm lưu lượng máu đến chỏm xương đùi và gây ra hiện tượng hoại tử vô khuẩn. Các yếu tố có thể gây thu hẹp mạch máu, gồm có thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, xơ vữa mạch,…
- Do áp lực bên trong xương: Biến chứng của bệnh Gaucher, Legg-calve-perthes hoặc một số phương pháp điều trị có thể làm tăng áp lực bên trong chỏm xương đùi và gây cản trở quá trình tuần hoàn máu đến cơ quan này.
Ngoài ra, bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi có thể khởi phát do một số yếu tố rủi ro như:
- Lạm dụng corticosteroid: Corticosteroid là thuốc chống viêm được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên sử dụng thuốc ở liều cao hoặc lạm dụng trong thời gian dài có thể làm tăng lipid máu và gây cản trở quá trình tuần hoàn máu đến chỏm xương đùi.
- Nghiện rượu: Sử dụng rượu trong thời gian dài có thể tạo ra các mảng xơ vữa ứ đọng bên trong lòng mạch khiến tiết diện của mạch máu bị thu hẹp. Từ đó dẫn đến tình trạng giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến xương khớp và các cơ quan khác.
- Tác dụng phụ của một số biện pháp điều trị: Mô xương và mạch máu có thể tiêu hủy khi thực hiện phương pháp xạ trị, lọc máu hoặc hóa trị.
Triệu chứng nhận biết hoại tử chỏm xương đùi
Vì không có hiện tượng nhiễm khuẩn nên hoại tử chỏm xương đùi thường không gây ra các triệu chứng trong giai đoạn đầu. Chỉ đến khi mật độ xương suy giảm đáng kể, các triệu chứng lâm sàng mới có dấu hiệu khởi phát.
Mức độ triệu chứng tỷ lệ thuận với tổn thương ở chỏm xương đùi. Vì vậy trong giai đoạn đầu, triệu chứng thường có mức độ nhẹ và âm ỉ. Trong khi đó ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng của bệnh thường có mức độ nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và đi lại.
Các dấu hiệu nhận biết hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, bao gồm:
- Đau nhức vùng khớp háng: Đây là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh hoại tử chỏm xương đùi. Cơn đau thường khởi phát ở vùng bẹn với mức độ nhẹ, sau đó lan xuống vùng mông và đùi. Tuy nhiên mức độ đau có thể tăng lên sau khi vận động mạnh, đi lại nhiều và đứng quá lâu.
- Giảm khả năng vận động: Sau khi mô xương bị hư hại, bạn sẽ nhận thấy phạm vi chuyển động ở khớp háng suy giảm đáng kể. Lúc này bạn có thể gặp khó khăn khi ngồi xổm, xoay người, cúi gập,…
Triệu chứng điển hình nhất của hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng đau nhức xuất phát từ vùng bẹn và lan rộng ra các cơ quan xung quanh.
Vì số lượng triệu chứng phát sinh khá hạn chế nên hoại tử vô mạch rất dễ nhầm lẫn với tình trạng thoái hóa khớp háng. Tuy nhiên thoái hóa khớp thường gây đau nhức kèm tê bì và cứng khớp, trong khi đó hoại tử vô mạch hầu như chỉ gây đau và giảm phạm vi chuyển động.
Chẩn đoán hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Trước khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng và xem xét tiền sử bệnh lý để đưa ra hướng chẩn đoán. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể đặt câu hỏi về thói quen và những loại thuốc bạn đang sử dụng trong vòng 6 tháng để xác định nguyên nhân gây hoại tử vô mạch.
Sau đó bạn có thể được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm sau:
- X-Quang: X-Quang là xét nghiệm hình ảnh hiển thị mô các xương bên trong cơ thể một cách rõ nét. Vì vậy xét nghiệm này là lựa chọn ưu tiên trong quá trình chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi. Tuy nhiên hình ảnh từ X-Quang chỉ phát hiện sự sụt giảm mô xương ở giai đoạn muộn. Trong giai đoạn đầu, hình ảnh X-Quang thường không nhận thấy dấu hiệu khác thường.
- CT hoặc MRI: Với những trường hợp hình ảnh X-Quang cho kết quả bình thường, xét nghiệm MRI và CT có thể được thực hiện. Thông qua các hình ảnh này, bác sĩ có thể quan sát biểu hiện của mô xương và các mạch máu xung quanh.
Điều trị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Các trường hợp hoại tử vô mạch chỏm xương đùi thường được điều trị bảo tồn trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên nếu hiện tượng mất xương tiếp diễn, các phương pháp ngoại khoa có thể được can thiệp nhằm cải thiện khả năng vận động và ngăn chặn biến chứng (sụp xương, tàn phế).
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa đối với bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi bao gồm sử dụng thuốc, chăm sóc đúng cách và áp dụng vật lý trị liệu.
- Dùng thuốc: Để làm giảm triệu chứng đau nhức do hoại tử vô mạch gây ra, bác sĩ có thể chỉ định Paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,… Với những trường hợp đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau gây nghiện (opioids) hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
- Sử dụng nạng: Dùng nạng và hạn chế vận động có thể làm chậm quá trình mất xương và thúc đẩy quá trình tái tạo mô xương mới.
- Kích thích điện: Phương pháp này sử dụng dòng điện tác động trực tiếp vào mạch máu và chỏm xương đùi nhằm kích thích tuần hoàn máu và tăng tốc độ hồi phục mô xương.
- Bài tập vật lý trị liệu: Với bệnh nhân ở giai đoạn đầu, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu nhằm kích thích tuần hoàn máu và tăng phạm vi chuyển động của khớp háng.
Thông thường điều trị bảo tồn đối với bệnh hoại tử vô mạch đều không có đáp ứng tốt. Các phương pháp này chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng và làm chậm quá trình mất xương. Sau một thời gian phát bệnh, phần lớn bệnh nhân đều phải can thiệp phẫu thuật.
2. Điều trị ngoại khoa
Với những trường hợp suy giảm mật độ xương nghiêm trọng và bệnh có diễn tiến phức tạp, bác sĩ có thể cân nhắc và thực hiện 1 trong 4 kỹ thuật ngoại khoa sau:
- Cấy ghép xương: Với chỏm xương đùi bị hư hại hoàn toàn, bác sĩ có thể sử dụng phần xương khỏe mạnh để cấy ghép vào khu vực xương bị hoại tử.
- Giải tỏa chèn ép xương: Thủ thuật này được thực hiện nhằm loại bỏ một phần bên trong xương nhằm làm giảm áp lực và thúc đẩy máu tuần hoàn đến chỏm xương đùi. Từ đó kích thích cơ thể sản sinh các mô xương mới nhằm bù lấp các tế bào xương bị hư hại.
- Thay khớp xương nhân tạo: Nếu không có khớp xương khỏe mạnh tương ứng, bác sĩ có thể sử dụng khớp nhân tạo để thay thế chỏm xương đùi bị hoại tử. Phương pháp này có thể hồi phục 80% khả năng vận động nhưng có chi phí cao và dễ để lại biến chứng.
- Định hình xương: Nếu hoại tử vô mạch do áp lực chèn ép, bác sĩ có thể định hình cấu trúc xương nhằm làm giảm áp lực lên cơ quan này.
Phòng ngừa bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Hoại tử vô mạch có thể được phòng tránh bằng cách loại trừ những nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Phòng ngừa bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi bằng các biện pháp sau:
- Thận trọng khi lao động, sinh hoạt và tham gia giao thông để giảm nguy cơ chấn thương.
- Sử dụng thiết bị bảo hộ khi làm việc trên cao.
- Hạn chế sử dụng rượu bia và từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Chỉ dùng corticosteroid trong trường hợp cần thiết.
- Tập thể dục thường xuyên nhằm đảm bảo tuần hoàn máu, kiểm soát cân nặng và hỗ trợ phòng ngừa xơ vữa động mạch.
- Tích cực trong quá trình điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm.
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là bệnh lý nguy hiểm có thể gây hư hại xương và tàn phế. Vì vậy bạn nên bảo vệ sức khỏe bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chủ động tìm gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh.
The post Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi và thông tin cần biết appeared first on TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG THUỐC DÂN TỘC.
Xem các khuyến mãi của Concung.com:
[atcoupon type="concung"]
0 Nhận xét
Đăng nhận xét