Cẩm nang ăn dặm: khi nào có thể nêm gia vị vào thức ăn cho trẻ?

Trẻ mấy tháng thì nêm gia vị? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ từ 12 tháng mẹ có thể nêm một ít gia vị vừa đủ. Mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm dung lượng gia vị trong mỗi cữ ăn của trẻ.

  • Gia vị tác động thế nào đến trẻ?
  • Khi trẻ được mấy tháng thì nêm gia vị cho bé là thích hợp?
  • Chú ý khi nêm gia vị cho trẻ
  • Mẹ cần làm gì khi không nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm

Gia vị tác động thế nào đến trẻ?

Các thế hệ trước khi nuôi con cháu thường cho bé ăn đủ loại gia vị ngọt, mặn, chua, thậm chí tập cả ăn cay. Theo quan niệm của dân gian là để bé lớn lên không kén ăn. Nhưng trên thực tế, các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng đã cảnh cáo lưu ý về việc nêm gia vị cho bé ăn dặm.

Một số nghiên cứu cho thấy, cho muối vào đồ ăn của trẻ dưới 1 tuổi gây ra các nguy cơ tiềm ẩn cho thận của trẻ. Trong giai đoạn này chức năng thận của trẻ còn rất non nớt, chưa thể hoạt động hết chức năng. Nếu bố mẹ nêm nếm quá nhiều muối vào đồ ăn có thể tạo nên thói quen ăn mặn khi trẻ trưởng thành. Điều này dễ ảnh hưởng đến chức năng của thận hay gây ra các nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch. Hơn nữa, cho trẻ ăn muối quá nhiều trong giai đoạn này sẽ dễ làm tổn thương não bộ của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Không nên nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm của trẻ dưới 12 tháng tuổi (Ảnh: istockphoto)

Bác sĩ Đinh Thị Ngọc Sương – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Thành phần chủ yếu của muối là Natri và Clo, đây là các chất có vai trò quan trọng giúp cân bằng hoạt động của các bộ phận trong cơ thể. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi mà cơ thể trẻ có mức hấp thụ muối khác nhau. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, lượng Natri một ngày chỉ được 600mg tương đương với 1.5g muối. Trong các món ăn dặm mẹ nấu thường có các loại rau, củ, quả đã có sẵn chất Natri, thậm chí chúng còn có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vì thế ở độ tuổi này, mẹ không cần phải nêm thêm muối vào thức ăn dặm, tránh làm cho lượng muối trẻ hấp thụ tăng lên quá nhiều gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ”.

Ngoài ra, nếu nêm gia vị quá ngọt có thể dẫn đến thói quen thèm ngọt, nguy cơ tiểu đường. Bột nêm, bột ngọt chứa rất nhiều glutamat gây ức chế thần kinh trẻ, gây co giật, đau đầu. Lạm dụng bột ngọt, hạt nêm còn khiến bé dưới 2 tuổi hấp thụ canxi kém dẫn tới tình trạng loãng xương.

Thêm nữa, việc thêm gia vị cho bé ăn dặm quá sớm sẽ làm tăng dần độ mặn trong khẩu vị của trẻ khi lớn lên, ăn quá mặn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ngay cả với người lớn.

Nội dung liên quan

Trẻ 4 tháng ăn dặm được chưa? Những lưu ý khi cho bé bắt đầu ăn dặm

Trẻ mấy tháng thì nêm gia vị vào thức ăn được?

Bé từ 6 tháng đến 12 tháng sẽ vào giai đoạn ăn dặm để bổ sung dinh dưỡng. Trong thời điểm này, các chuyên gia khuyên mẹ tuyệt đối không nên nêm muối hay đường vào thức ăn cho trẻ. Có thể bổ sung chất béo tốt bằng lượng ít dầu olive phù hợp. Thay vào đó, mẹ hãy bổ sung lượng muối tự nhiên thông qua thịt, cá, sữa.

Đa phần thức ăn tự nhiên đã chứa đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết, bao gồm cả lượng natri cho sự phát triển trí não của bé. Nếu cần thiết, bổ sung một ít muối bằng cách cho bé ăn lượng nhỏ phô mai, chứa muối và dinh dưỡng dồi dào.

Nên cho bé ăn thức ăn mềm nhạt, chế biến đơn giản để giữ độ dinh dưỡng (Ảnh: istockphoto)

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, trẻ từ 12 tháng trở lên đã có thể bắt đầu nêm một ít gia vị vừa đủ. Lưu ý giai đoạn 1-2 tuổi mẹ cũng chỉ nên cho bé làm quen với muối trong cháo xay, cơm thật ít, từ 0,5 đến 1g/ngày.

Với các loại cháo, bột hoặc thức ăn dặm đóng hộp, nên chú ý đọc thành phần trên bao bì. Nếu đã có muối thì mẹ không nên nêm thêm để bảo vệ thận và huyết áp của bé, lưu ý cho muối vào trước dầu ăn và rau. Đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi thì tuyệt đối không nên nêm đường, bột nêm, bột ngọt vào thức ăn.

Từ 2 đến 3 tuổi, thận đã khá hoàn chỉnh và có thể đào thải muối tốt hơn. Nhưng lượng muối nêm vào thức ăn cho bé độ tuổi tập đi cũng không nên cho quá 1,5 g muối/ngày.

Mẹ cần làm gì khi không nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm?

Nhiều trẻ không chịu ăn dặm, mẹ liền nghĩ ngay đến việc thức ăn dặm của con quá nhạt nhẽo, không ngon nên vội vàng sử dụng gia vị vào thức ăn dặm. Trước khi cân nhắc sử dụng gia vị, mẹ hãy áp dụng mẹo dưới đây.

Khi không có gia vị, mẹ hãy dùng soup hoặc các món canh rau phù hợp để thay đổi khẩu vị bữa ăn của bé. Mẹ hãy lựa chọn nước dùng Dashi trong khi chế biến giúp bổ sung thêm mùi vị cho món ăn. Nếu mẹ quá bận rộn khó có thể nấu 1 ít súp cho mỗi bữa ăn. Mẹ có thể nấu nhiều và sử dụng cách đông lạnh thức ăn dặm. Các bước tiếp theo mẹ chỉ cần lấy ra một lượng vừa đủ, ra đông và cho trẻ ăn mà không tốn quá nhiều thời gian.

Mẹ đang tìm kiếm

Bột ăn dặm cho bé, nên mua loại ăn liền hay mẹ tự nấu cho con?

Một số lưu ý khi nên gia vị vào thức ăn của trẻ

Khẩu vị của trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi nhạt hơn người lớn rất nhiều. Khi nêm nếm gia vị ăn dặm cho bé, mẹ chú ý nêm nhạt hơn khẩu vị của mình nhiều lần để phù hợp cho con. Ngoài ra không nêm hoặc nêm ít gia vị còn giúp kích thích vị giác cho bé, bé có thể cảm nhận và tận hưởng mùi vị gốc của các loại thực phẩm.

Dưới đây là các loại gia vị mẹ không nên dùng cho bé:

  • Muối, nước mắm, hạt nêm, bột nêm… khi trẻ dưới 1 tuổi. Các loại bột ngọt, hạt nêm, muối i-ốt… không nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì trong bột ngọt, hạt nêm chứa rất nhiều glutamat gây ức chế thần kinh, co giật, đau đầu ở trẻ. Lạm dụng các gia vị này còn khiến bé hấp thu canxi kém dẫn tới loãng xương và ảnh hưởng vị giác
  • Muối i-ốt: I-ốt có sẵn trong thực phẩm như hải sản, thịt bò, rau xanh, nên bổ sung i-ốt qua thực phẩm tự nhiên thay vì nêm muối i-ốt để tránh thừa i-ốt ở trẻ…

Mẹ nên chủ động chế biến thức ăn đa dạng cho bé mỗi ngày (Ảnh: istockphoto)

Để phát triển vị giác của trẻ một cách tự nhiên và đa dạng, mẹ chú ý thay đổi món ăn xen kẽ, tránh lặp lại gây chán ăn. Chú ý, thành phần của món ăn dặm chỉ được bao gồm tinh bột như bột, cháo, cơm; chất đạm trong thịt, cá, cua, tôm, trứng. Thêm chất khoáng như rau xanh và chất béo tốt có trong dầu olive, trái bơ, mẹ có thể bổ sung các gia vị sau vào thức ăn của bé:

  • Các loại rau gia vị như hành, mùi, húng quế…
  • Củ hành, tỏi, gừng, nghệ… với lượng vừa phải
  • Bột quế, hoa hồi…
  • Chất làm ngọt tự nhiên như mía, đường dừa, táo đỏ, mật ong (lưu ý tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi)…

Nuôi con luôn cần nhiều kiến thức và sự chú ý. Mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia về việc bé mấy tháng thì nêm gia vị cũng như các yếu tố khác và đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết để bé có thể phát triển khoẻ mạnh.

Nguồn tham khảo: Thức ăn dặm cho bé có cần thêm muối? – Bệnh viện Nhi đồng 1.

Xem thêm:

  • Ăn dặm kiểu Nhật – kinh nghiệm truyền tay của các Mẹ!
  • 7 trái cây cực tốt cho bé ăn dặm mẹ đừng bỏ qua…
  • Mẹo dành cho trẻ biếng ăn, trẻ ăn dặm, và phòng ngừa biếng ăn ở trẻ

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

The post Cẩm nang ăn dặm: khi nào có thể nêm gia vị vào thức ăn cho trẻ? appeared first on theAsianparent - Kim chỉ nam cho bà bầu và cha mẹ chăm sóc nuôi dạy con.



Xem các khuyến mãi của Concung.com:
[atcoupon type="concung"]

0 Nhận xét