Tự tay cắt dây rốn cho con với tôi thật tuyệt vời

Tự tay cắt dây rốn cho con với tôi thật tuyệt vời


Tự tay cắt dây rốn cho con với tôi thật tuyệt vời

Posted: 12 Sep 2013 02:00 AM PDT

Vào phòng sinh cùng vợ, ngắm giây phút con yêu chào đời, tự tay cắt dây rốn cho con với tôi thật tuyệt vời.

Vợ chồng tôi đã có thời gian sinh sống và làm việc ở bên Nga nên có khá nhiều bạn bè quốc tế. Bạn bè của chúng tôi cũng hầu hết đã đến tuổi lên chức bố mẹ. Chứng kiến nhiều cặp đôi đưa nhau đi đẻ ở bên này thích lắm. Lúc nào vợ đẻ cũng có chồng bên cạnh, được tự tay cắt dây rốn cho con khiến tôi cũng ao ước một ngày được làm cái việc thiêng liêng ấy khi đón con chào đời. 1 năm sau khi về nước, vợ tôi có bầu. Đó là niềm hạnh phúc mà không có từ ngữ nào diễn tả hết sau 5 năm kế hoạch. Ngay từ tháng thứ 3 thai kỳ chúng tôi đã đăng ký khám thai trọn gói tại một bệnh viện quốc tế ở Hà Nội. Thật may là trong gói khám thai này cho phép người thân cùng có mặt khi sản phụ lên bàn đẻ và chẳng ngần ngại tôi đã quyết định sẽ một lần tận mắt xem vợ đẻ, ngắm con yêu chào đời cho bõ ao ước từ lâu.

Tuy nhiên, vì đã xác định sẽ vào phòng sinh cùng vợ nên tôi phải chuẩn bị hành trang chu đáo ngay từ những ngày vợ mới mang thai. Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi chồng vào phòng đẻ cùng vợ, tôi cũng đã bị rất nhiều người thân, bạn bè "bàn lùi" không nên xem vợ đẻ vì sợ ảnh hưởng đến nàng và cũng ảnh hưởng tâm lý chính mình. Nhưng tôi vẫn giữ vững quan điểm của mình và thú thật tôi đã có những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời khi tận mắt ngắm con yêu chào đời. Các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm đi đẻ cùng vợ của tôi để sẵn sàng ‘vượt cạn’ cùng vợ nhé!

Trước khi mang thai…

Khâu chuẩn bị thời gian này là vô cùng quan trọng các ‘đấng mày râu’ nhé để chúng ta có những hiểu biết nhất định về thai kỳ cũng như việc sinh nở. Từ ngày vợ mang bầu, dù rất bận rộn nhưng tôi luôn cố gắng dành thời gian để đưa nàng đi khám thai. Mỗi lần nghe thấy nhịp tim con là tim tôi cũng đập rộn ràng. Rồi từ tuần 12 thai kỳ, được tận mắt nhìn thấy những bộ phận bé xíu trên cơ thể con tôi bỗng "nghiện" con. Cứ 2-3 tuần một lần hai vợ chồng lại đi khám thai, siêu âm để được ngắm con yêu. Phải công nhận qua mỗi tuần thai lại thấy mình thêm gắn kết với con nhiều hơn.

Cũng kể từ ngày vợ mang bầu, tôi dành thời gian để ở nhà, ở bên vợ con nhiều hơn. Những thú vui riêng như chơi game cùng đồng nghiệp sau giờ làm hay đi xem bóng đá cũng giảm dần, thay vào đó là giây phút thư giãn nghe nhịp tim con, ngắm con chuyển động trong bụng vợ. Vợ tôi cũng rất khéo gắn kết sợi dây tình cảm vô hình giữa cha – con tôi. Cứ mỗi lần con đang ‘quậy’ trong bụng là cô ấy nắm vội tay tôi để đặt lên bụng bất kể lúc nào, có khi cả đêm khuya để tôi có thể cảm nhận được sức sống đang lớn từng ngày của con. Nàng cũng thường xuyên mua sách báo về thai kỳ, khuyên tôi đọc nhiều để hiểu hơn về sự phát triển của con, tâm lý mẹ bầu và cách chăm trẻ sơ sinh. Sau 9 tháng vợ mang bầu tôi cũng có kho kiến thức kha khá về vấn đề này đấy. Tôi còn đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc bé sau sinh vì vậy mà tôi cũng mong con chào đời chẳng kém vợ đâu.

Tôi không ngần ngại tham gia ca sinh nở cùng vợ.

Tôi không ngần ngại tham gia ca sinh nở cùng vợ.

Còn một việc nữa cũng vô cùng quan trọng trong giai đoạn vợ mang bầu là tham gia lớp học tiền sản. Mỗi giai đoạn thai kỳ, vợ chồng tôi tham gia một buổi học khoảng 1-2 ngày. Những lớp học này hữu ích lắm nhé. Tại đây các chuyên gia sẽ hướng dẫn tỉ mẩn cho bà bầu cách ăn uống trong thai kỳ, tập thể thao thế nào, tăng cân thế nào cho chuẩn. Với riêng tôi, vì có nhu cầu vào phòng đẻ cùng vợ nên được tham gia một lớp tiền sản riêng để được hướng dẫn chi tiết cách hỗ trợ vợ khi đau đẻ, cách động viên vợ, cách phối hợp với bác sĩ và cách chăm sóc trẻ sau sinh. Vợ tôi cũng được hướng dẫn cách rặn thở khi đẻ vì vậy mà cô ấy rất tự tin khi đi sinh nở. Hiện nay, ở các bệnh viện sản lớn đều tổ chức lớp học tiền sản miễn phí, vì vậy tôi khuyên chân thành các cặp đôi nên bớt chút thời gian để tham gia.

Trong quá trình vợ "vượt cạn"…

Khoảnh khắc xem vợ đẻ, đón con chào đời là kỷ niệm không bao giờ tôi quên. Tôi nhớ như in sáng hôm đó tôi đang ở cơ quan thì nghe điện vợ báo bị đau bụng. Vì cơ quan cách nhà chỉ hơn 1km nên không đầy 15 phút sau tôi có mặt tại nhà. Vì là lần đầu sinh nở nên vợ chồng tôi lóng ngóng lắm. Cũng may chúng tôi ở cùng bố mẹ nên bớt lo lắng. Mẹ tôi bảo cứ khoan thai đợi cơn đau dày hơn rồi hãy vào viện vì đôi khi đó chỉ là những cơn đau giả. Vậy là vợ tôi có thời gian để tắm rửa, gội đầu sạch sẽ. Đầu giờ chiều, hai vợ chồng và mẹ tôi có mặt tại bệnh viện. Lúc này cổ tử cung của vợ đã mở được 3cm, những cơn đau đẻ bắt đầu dày hơn. Vì đăng ký dịch vụ trọn gói nên chúng tôi được ở 1 phòng riêng. Suốt buổi chiều hôm đó, nhìn vợ vật vã trong cơn đau đẻ, tôi thấy sốt ruột lắm. Đến 8 giờ tối, cổ tử cung mở được 8 phân, vợ được đưa lên bàn đẻ. Cùng lúc đó tôi cũng được phát bộ quần áo vô trùng để vào sẵn sàng có mặt bên vợ.

Trước khi bước vào phòng đẻ, mẹ tôi còn dặn đi dặn lại là phải thật sự bình tĩnh, không để ảnh hưởng đến vợ và các bác sĩ. Cái này tôi cũng đã được học rồi nhưng không biết khi nhìn vợ đau đẻ có giữ được bình tĩnh không nữa. Tôi được bác sĩ yêu cầu ngồi trên một chiếc ghế nhỏ ngay cạnh vợ và nói chuyện với nàng. Dường như những cơn co thắt cứ bắt nàng phải rặn nhưng bác sĩ chưa cho phép rặn vì cổ tử cung chưa mở hoàn toàn. Lúc này những cơn đau đẻ dồn dập kéo đến khiến vợ tôi cứ hét toáng lên. Nhiệm vụ của tôi lúc này là phải khéo léo khuyên bảo và kể chuyện cười để nàng quên đi cơn đau. Mà việc này phải rất khéo léo các anh chồng nhé, nếu không sẽ bị nàng mắng luôn đấy.

Khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn, bác sĩ hô bắt đầu rặn, bạn hãy nắm chặt tay vợ và rặn cùng nàng. Khi yêu cầu rặn kết thúc, hãy nhắc nhở nàng hít thở đều (nhớ phải thở ra bằng miệng và hít vào bằng mũi) để có sức cho cơn rặn đẻ tiếp theo. Cũng may mắn là vợ tôi sinh không khó lắm. Từ lúc vào phòng sinh cùng vợ đến khi con "oe oe" chào đời khoảng hơn 1 giờ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để nhắc nhở vợ những việc cần làm, như thế sẽ giúp nàng tập trung vào rặn đẻ và ca sinh nở diễn ra nhẹ nhàng hơn.

Giây phút được ngắm con chào đời mới tuyệt vời làm sao. Ban đầu là chiếc đầu lộ ra rồi rất nhanh chóng cả vai và thân ra theo. Khi cầm kéo tự tay cắt dây rốn chon con tôi còn run run vì xúc động. Khoảnh khắc này tôi sẽ nhớ mãi…

Kinh nghiệm đúc rút ra từ bản thân của tôi là khi vào phòng sinh cùng vợ hãy tập trung làm trọn bổn phận của mình. Chúng ta có mặt trong quá trình vợ lâm bồn chủ yếu là để động viên tinh thần nàng, vì vậy bạn hãy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình bằng những câu chuyện cười, nhũng lời nói yêu thương và những hành động tình cảm để nàng quên đi cơn đau. Ngoài ra, khi bác sĩ yêu cầu hộ trợ ekip giúp nàng rặn đẻ hoặc làm việc gì đó thì phải tuyệt đối thực hiện đúng theo hướng dẫn.

Theo tôi, việc có mặt trong phòng sinh nở là trải nghiệm rất tuyệt vời. Chỉ cần bạn có chút kiến thức về thai kỳ, giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của bác sĩ thì bạn sẽ là nguồn động lực tuyệt vời cho nàng trong giờ phút vượt cạn đầy gian nan. Không chỉ có thế, món quà tuyệt vời dành cho bạn là được tận mắt chứng kiến con yêu chào đời từ trong lòng mẹ – còn gì hạnh phúc hơn phải không nào?

Cảm cúm ở bà bầu, cần thận trọng

Posted: 11 Sep 2013 09:00 PM PDT

Chị Huyền đã rất hối hận khi phải bỏ thai do chủ quan không phòng bệnh lúc chuyển mùa…

Phải bỏ con vì mắc bệnh cảm cúm

Câu chuyện đáng buồn của chị Như Huyền là bài học mà các chị em bầu cần đặc biệt chú ý. Chị chia sẻ trên một diễn đàn dành cho mẹ và bé cách đây không lâu rằng chị đã mất đi đứa con đầu lòng chỉ vì chủ quan, phớt lờ với thời tiết thay đổi những ngày cuối hạ đầu thu. Chỉ vì căn bệnh cảm cúm tưởng chừng rất đơn giản thế mà nó đã cướp đi đứa con chưa kịp chào đời. Xin được trích nguyên văn chia sẻ của chị.

"Mấy hôm nay tiết trời Hà Nội thất thường quá, nói nắng là nắng, nói mưa là mưa luôn được. Chẳng thế mà người người "lăn" ra ốm cả, đặc biệt là bà bầu và trẻ con – những người có sức đề kháng yếu. Vì mình cũng đang mang bầu, cũng đã lãnh chịu hậu quả đau đớn từ cái sự chủ quan với tiết trời này nên mấy hôm nay cứ phải cẩn trọng từng ly từng tí để không bị dính nước mưa, không ra ngoài khi trời nắng để mình không thể bị cảm cúm nữa. Cũng thời gian này 2 năm trước, khi mình đang mang bầu ở tuần thứ 8 thì bị mắc cảm cúm. Ngày đó mình nghĩ đơn giản lắm, chắc là thời tiết thay đổi mưa xuống nắng lên nên ốm là chuyện đương nhiên. Vì không uống thuốc nên bệnh tình của mình ngày càng nặng và còn kèm theo triệu chứng ho nữa. Mình vẫn quyết tâm không dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con. Khoảng 2 tuần sau bệnh mới khỏi. Mình cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều nhưng đến tuần 16 đi làm xét nghiệm triple test thì bác sĩ kết luận thai nhi của mình có vấn đề.

Lúc đó mình như "ngồi trên đống lửa". Hai vợ chồng khỏe mạnh bình thường, mình chỉ mới 25 tuổi mà 16 tuần qua lần nào khám thai con cũng khỏe mạnh bình thường thì liệu có vấn đề gì đây. Mình được yêu cầu chọc ối và kết quả là con bị dị tật hình thái ở mắt, mũi. Đắng lòng vô cùng nhưng cuối cùng cũng phải nhắm mắt chịu đau đớn để bỏ đi đứa con chưa kịp hình thành rõ mặt. Nguyên nhân được cho là chính tại virus cảm cúm đấy các mẹ ạ. Vì vậy lần này mang thai mình sợ cảm cúm vô cùng. Mình đã phải tiêm phòng cúm ngay từ trước khi mang thai nhưng phòng thì phòng thế thôi chứ virus cúm có hàng trăm loại, sao phòng hết được. Chỉ còn cách là tự chăm sóc bản thân để khỏi mắc bệnh thôi.

Vì vậy mình cảnh báo các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý với kiểu thời tiết thất thường này nhé. Chỉ cần bạn dính chút nước mưa hay đi nắng nhiều là bị cảm luôn đó. Mà hậu quả của cảm cúm trong những tháng đầu thai kỳ thì quá tàn khốc."

cum

Thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường là cơ hội để virut cúm tấn công mẹ bầu. Vì thời gian mang thai, sức đề kháng của chị em yếu nên nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Khi bị bệnh cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai nhi cùng vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, tốt hơn hết mẹ bầu nên học cách để phòng ngừa bệnh.

Mách nhau cách phòng, trị cảm cúm

Theo các chuyên gia khoa sản, bị cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ là vô cùng nguy hiểm. Virus cúm có thể gây dị tật cho thai nhi, khi người mẹ bị nhiễm virus ở giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai. Khi người mẹ bị nhiễm cúm nặng thì tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn và nhiễm độc do virus gây ra có thể làm cho thai bị lưu và gây sảy thai. Nhiều tài liệu cho rằng cúm có thể gây sứt môi, đục thuỷ tinh thể mắt cho thai.

Chính vì vậy việc phòng bệnh cảm cúm, ho cho mẹ bầu là vô cùng quan trọng. Hãy nghe kinh nghiệm phòng chữa bệnh của các mẹ nhé!

Phòng cúm bằng nước cam

Đó là cách mà mẹ Như Huyền đã áp dụng trong lần mang thai thứ 2 này. Chị chia sẻ: "Tiêu chí của mình là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy ngày nào mình cũng uống đủ 200ml nước cam pha mật ong hoặc đường để tăng sức đề kháng các mẹ ạ. Mùa này bắt đầu có cam sành Hà Giang rồi, các mẹ chịu khó mua về ăn hoặc vắt nước uống nhé. Mấy tháng trước không có nhiều cam thì mình uống nước chanh đường. Mình thấy cách này hiệu quả phòng bệnh lắm. Lần này mang thai tháng thứ 8 rồi, hy vọng "đầu xuôi đuôi lọt". Mong được gặp mặt con lắm rồi!"

Chanh đào

"Cách phòng bệnh cảm cúm, ho khi thời tiết chuyển mùa mà mẹ chồng mình truyền lại cho hay lắm nhé. Từ ngày mình có bầu ngày nào bà cũng nhắc nhở phải uống 1 thìa chanh đào ngâm mật ong vào buổi sáng. Theo mẹ chồng mình thì chanh đào chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc… Ngoài ra, ruột quả chanh còn chứa hàm lượng đáng kể acid xi-tric nên có tác dụng phòng trị ho, khản tiếng hiệu quả. Cứ mỗi mùa chanh đào, mẹ mình đều mua vài cân để ngâm, dùng dể phòng và chữa bệnh cảm, ho. Vì sáng nào mình cũng nhâm nhi một thìa cà phê nước chanh đào mật ong trước khi ăn sáng nên thấy người khỏe lắm, chẳng lo bị bệnh khi trái gió trở trời đâu. Mình khuyên các mẹ bầu nên phòng bệnh bằng cách này", độc giả Lan Hương ở địa chỉ nguyenlanhuong…@gmail chia sẻ.

Làm bạn với sữa chua

Cách làm tăng sức đề kháng cho cơ thể của mẹ bầu Minh An (Hà Nội) lại rất đơn giản. Chị kể từ ngày con gái chị đã “nghiện” sữa chua. Đến lúc mang bầu chị vẫn tiếp tục ăn, có ngày ăn đến 2 hộp. "Ăn sữa chua vừa giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, vừa bổ sung canxi lại làm đẹp da nữa các mẹ ạ. Mình thường để lại một ít sữa chua sau khi ăn để thoa lên mặt và 20 phút sau rửa lại. Mình thấy ăn sữa chua vừa khỏe người lại đẹp da, thật tuyệt", mẹ Minh An bật mí.

Trị cảm cúm bằng tỏi

Những phương pháp trên là để phòng bệnh cảm cúm, ho khi giao mùa, nhưng nếu mẹ bầu lỡ mắc bệnh thì phải làm thế nào đây. Chị em bầu thường rất ngại dùng thuốc, vì vậy cách chữa dân gian vẫn được "tín nhiệm" hơn cả. Chia sẻ về chiêu chữa cảm cúm khi mang thai, chị Hồng ở địa chỉ tranhong…@gmail.com viết: "Hồi mang bầu Bi mình bị cảm cúm đấy nhưng may mà chữa trị kịp thời nên chỉ 4 ngày sau là mình khỏi bệnh. Cách của mình là sử dụng tỏi. Hồi đó mình bị nghẹt mũi nên thường lấy tỏi giã nhỏ rồi cho vào lọ nước muối sinh lý 0,9% để nhỏ. Các mẹ nhớ là chỉ cần ½ nhánh tỏi thôi nhé không là sẽ nóng lắm đấy. Kết hợp cùng nhỏ mũi, mình cũng ăn tỏi 'nhiệt tình' hơn. Chỉ nhờ có vậy mà mình hết cảm. Thật may mắn là mình bị cúm khi mang thai tháng thứ 7 rồi nên cũng không đáng lo lắm".

Ngoài những cách dân gian trên, mẹ bầu cũng cần chú ý những điều sau để giảm nguy cơ mắc bệnh khi thời tiết giao mùa:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng: Các loại virus gây cảm có khả năng lây lan và phát tán mạnh mẽ. Nếu bạn chạm tay vào điện thoại, bàn phím máy tính, nắm cửa… chứa virus thì nguy cơ mắc bệnh khá cao. Bởi vì các loại virus này có thể sống hàng giờ, thậm chí, cả ngày trên bàn tay con người. Vì vậy, chị em nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, chú ý chà xát các kẽ ngón tay trong vòng một vài phút và lau khô tay bằng khăn sạch.

- Ăn nhiềurau quả: Các loại rau quả có màu xanh sậm, vàng, đỏ rất giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng củng cố sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại chứng bệnh cảm cúm.

- Hít thở không khí trong lành: Thời tiết mùa lạnh, hay mùa mưa khiến chị em ngại vận động ngoài trời. Đây chính là nguy cơ làm gia tăng tình trạng cảm ở thai phụ . Trừ những ngày quá lạnh, nếu không, bạn cũng nên đi bộ ngoài trời, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi cảm.

- Giữ ấm cơ thể: Đặc biệt giữ cho chân luôn được ấm bằng cách, bôi dầu nóng vào lòng bàn chân và giữ ấm cổ khi đi ngủ. Khi ra đường vào sáng sớm hoặc chiều tối, chị em cũng cần giữ ấm cơ thể.

- Uống nhiều nước: Mẹ bầu nên uống tối thiểu 6-8 cốc nước mỗi ngày khi mang thai. Dấu hiệu đơn giản để nhận biết cơ thể thiếu nước hay không được phân biệt qua màu sắc của nước tiểu: Nếu nước tiểu có màu vàng trong, chứng tỏ bạn đã uống đủ nước. Nếu nước tiểu sẫm màu, bạn cần bổ sung thêm nước uống. Nước có tác dụng "súc rửa" và thanh lọc những độc hại trong cơ thể, tăng sức đề kháng, giúp mẹ bầu phòng chống bệnh.

Đoán tình trạng sức khỏe của bé qua 9 dấu hiệu của móng tay

Posted: 11 Sep 2013 09:00 AM PDT

Nếu móng tay của bé xuất hiện 1 trong 9 dấu hiệu dưới đây thì có thể cơ thể bé đang thiếu một số vi chất nào đó hoặc thể trạng bé không khỏe mạnh. Bởi vì hình dạng, kết cấu, màu sắc và độ dày móng tay của bé có thể là dấu hiệu mách nước nhận biết nhiều bệnh tật khác nhau. Chỉ cần một chút quan tâm và để ý đến móng tay của con là các mẹ có thể nhận biết được một số bệnh tật đang “ghé thăm” bé nhà mình. Các mẹ nên chú ý nhé!

1. Móng có xuất hiện đốm hay vân trắng

Tín hiệu mách bạn: Thông thường, hiện tượng này thường được gây ra khi bé bị thương tích trên móng. Những điểm trắng này sẽ biến mất ngay sau khi phần bị ảnh hưởng (do bị thương) của móng tay mọc lại.

Ngoài ra, tình trạng này đôi khi cũng có thể xảy ra do bé bị thiếu hụt kẽm hoặc đang đối mặt với bệnh xơ gan. Mẹ không cần quá lo lắng vì khi móng tay dài ra, những đốm hay vân trắng đó sẽ được cắt bỏ.

Phòng tránh và xử lý: Các mẹ cần lưu ý đến môi trường vui chơi của bé, tốt nhất không nên cho bé nghịch ngợm với cửa tủ, cửa ra vào hay ngăn kéo…

2. Móng xuất hiện vết vàng, xanh, xám hoặc màu đen kỳ lạ bao phủ trên màu hồng tự nhiên vốn có

Tín hiệu mách bạn: Nếu là màu vàng thì đó là dấu hiệu bé đã hấp thu quá nhiều thực phẩm chứa carotene hoặc cũng có thể là nguyên nhân di truyền. Ngoài ra, màu xanh, xám hoặc đen có thể là do bé bị nhiễm trùng hay nhiễm nấm gây ra.

Phòng tránh và xử lý: Tay đổ nhiều mồ hôi khiến cho bé dễ bị nhiễm trùng nấm. Do vậy, cha mẹ nên giữ cho da bé sạch sẽ và khô ráo. Không để cho bé chơi trong nước trong thời gian dài, sau khi rửa tay thì lau khô bằng khăn sạch. Khi phát hiện nhiễm nấm, cha mẹ nên chú ý và cách ly con để tránh lây nhiễm chéo.

3. Một nửa móng tay có màu đỏ hoặc màu hồng bất thường

mong

Tín hiệu mách bạn: Nếu đột nhiên móng tay bé xuất hiện màu đỏ hoặc hồng bất thường so với màu móng tự nhiên thì mẹ cần chú ý. Trong khi màu đỏ là dấu hiệu bệnh tim thì màu hồng chủ yếu là nguyên nhân thiếu máu.

Phòng tránh và xử lý: Tăng cường chế độ ăn giàu chất sắt cho bé hoặc uống viên sắt bổ sung trong trường hợp bé ăn uống kém. Khuyến khích bé ăn các loại thực phẩm giàu sắt như gan động vật, thịt bò, rau bina, nho khô và các loại thực phẩm khác.

4. Móng xuất hiện rặng núi, bề mặt xù xì

Tín hiệu mách bạn: Dấu hiệu này chủ yếu là do bé thiếu vitamin B.

Phòng tránh và xử lý: Trong trường hợp này, mẹ chỉ cần chú trọng chế độ ăn giàu vitamin B cho bé. Mẹ có thể ưu tiên các thực phẩm như lòng đỏ trứng, gan động vật, đậu xanh và các loại rau màu xanh đậm… trong khẩu phần ăn của bé.

5. Móng mỏng nhưng giòn, dày nhưng lại thô ráp, bề mặt móng bị rỗ

Tín hiệu mách bạn: Khi móng bé xuất hiện hiện tượng này, mẹ đừng quá lo lắng vì đó hiện tượng này có thể là dấu hiệu cảnh báo bé bị bệnh vảy nến, eczema, chấn thương và đôi khi nó cũng có thể do di truyền.

Phòng tránh và xử lý: Tốt nhất thì mẹ nên cho bé đến bệnh viện thường xuyên để kiểm tra và điều trị.

6. Móng bị lõm hay còn gọi là móng tay lòng thìa

Tín hiệu mách bạn: Móng tay có hình dạng giống một cái muỗng. Móng tay của bé có thể bị san bằng ở giữa, trong khi các cạnh 2 bên móng thì đầy lên, do đó nó sẽ tạo thành móng lõm.

Nếu móng tay bé có triệu chứng này thì có thể nguyên nhân chính có thể do bé đang bị thiếu sắt. Các điều kiện khác về sức khỏe như bệnh thận, rối loạn chức năng tuyến giáp và các bệnh về cơ xương cũng có thể là thủ phạm đáng nghi ngờ gây nên tình trạng này ở móng tay của các bé. Bên cạnh đó, nếu móng tay bé bị thương tích và sử dụng quá nhiều xà phòng cũng có thể dẫn đến hiện tượng móng lõm.

Phòng tránh và xử lý: Mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra, chẩn đoán theo hướng dẫn của bác sỹ để điều trị.

7. Móng giòn, dễ bị rách nát hoặc bong thành từng lớp

Tín hiệu mách bạn: Khi móng bé có hiện tượng này thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé mắc các bệnh về da hoặc thiếu protein (vì 97% thành phần của móng là các protein).

Phòng tránh và xử lý: Tăng cường cho bé ăn cá, tôm và các loại thực phẩm giàu protein khác. Ngoài ra, quả óc chó, đậu phộng cũng làm cho móng tay khỏe hơn. Bên cạnh đó thì bổ sung các nguyên tố vi lượng như kali, sắt cũng rất quan trọng.

8. Móng có dòng kẻ ngang

Tín hiệu mách bạn: Khi có những dòng kẻ tối màu tô điểm trên các móng tay theo chiều ngang thì đó chính là kết quả của sự gián đoạn đột ngột trong quá trình phân chia tế bào trong móng tay của bé. Những dấu hiệu này thường được gây ra do một số bệnh nhiễm trùng trong móng tay, bệnh ngoài da và nguy cơ bị bệnh tiểu đường đang tiềm ẩn.

Ngoài ra, cũng phải nhắc tới nhiều nguyên nhân khác khiến móng tay của bé xuất hiện một vệt kẻ tối màu là do suy dinh dưỡng, nồng độ canxi trong máu thấp, tắc nghẽn trong mạch máu, do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc bị chấn thương ở móng tay. Nếu ngay từ khi sơ sinh mà móng tay của bé đã có hiện tượng này thì nguyên nhân có thể do thai nhi bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ.

Phòng tránh và xử lý: nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra và được chẩn đoán càng sớm càng tốt, để có điều trị kịp thời.

9. Móng tay bị xước măng rô

Tín hiệu mách bạn: Móng bé bị xước măng rô là biểu hiện rất rõ của việc thiếu vitamin C và acid folic. Ngoài ra, hiện tượng này cũng xảy ra ở những người bị viêm da, nấm da, bệnh eczema, gây tổn thương phần da quanh móng tay, làm tổn thương gốc móng tay, làm xuất hiện những đường gờ ngang. Nếu ở dạng viêm nhiễm, ngoài những hiểu hiện trên, thì các bé còn bị ngứa.

Phòng tránh và xử lý: Không trực tiếp kéo phần xước măng rô bằng tay mà cẩn thận dùng kéo hoặc dụng cụ cắt móng tay để bấm. Với bé bị thiếu vitamin C và acid folic, mẹ có thể bổ sung cho bé các món ăn giàu 2 vi chất này. Các thức ăn giàu vitamin C hầu hết là các loại rau củ như cam, quýt, bưởi, ổi, cải bắp, rau muống, súp lơ, cần tây… Các thực phẩm giàu Acid folic là các loại rau có màu xanh thẫm, gan động vật, hạt nảy mầm (giá đỗ, rau mầm…). Trong trường hợp bé kém ăn thì mẹ có thể bổ sung bằng việc cho bé uống thêm 2 nguyên tố vi lượng này.

Móng tay, móng chân tuy nhỏ bé nhưng lại là một trong những bộ phận rắn chắc nhất của cơ thể (cùng với răng, xương), giúp bảo vệ ngón tay của bé, bảo vệ mạng lưới mạch máu và thần kinh dày đặc ở đầu chi, làm tăng cường khả năng xúc giác cho bé. Móng tay, móng chân hồng hào chứng tỏ sức khỏe của bé đang tốt. Vì vậy, mẹ hãy chú ý chăm chút hơn cho móng tay của các bé nhé!
Ngoài ra, mẹ cũng nên đưa bé đi khám các cơ sở da liễu để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị cho bé. Bạn nên cắt và dũa móng tay cho bé gọn gàng để tránh việc móng tay dài hoặc xước có thể làm xước da bé khi bé đưa tay lên mặt

Khi bé yêu giận dữ

Posted: 11 Sep 2013 07:00 AM PDT

Trẻ con cũng có cơ chế phản ứng tâm lý, tình cảm như người lớn. Khi buồn bực hay không như ý hoặc không khỏe trong người, thường phản ứng bằng cách giận dữ, có khi hung hăng. Tình trạng này thường gặp ở bé từ 2 tuổi. Bé của bạn có thể đập tay xuống bàn, ghế, ném đồ đạc trong tầm tay hoặc hung hăng hơn, có thể ra điệu bộ đấm, đá, có khi hét toáng lên.

Nguyên nhân khiến trẻ trở nên giận dữ có thể do bé cảm thấy thất vọng với một số việc không như ý. Mẹ đừng nghĩ tuổi này bé chưa biết gì. Thật ra, bé có biểu cảm chẳng khác người lớn chúng ta là mấy. Có thể bé không thể diễn đạt được hết ý muốn của mình qua ngôn ngữ trong vài trường hợp để cho cha mẹ hiểu; hay không đủ khéo léo làm theo ý mình; cũng có thể di chuyển theo ý muốn; cảm thấy không được quan tâm… tức bé bị hạn chế về thể chất ở vài trường hợp nên sinh ra bực tức, bùng phát thành cơn giận. Dễ gặp tình trạng này nhất ở khoảng 2 tuổi và Kat nhà mình cũng đang ở giai đoạn này. Gặp tình trạng này, cha mẹ cần bình tĩnh đừng gào thét lại với con. Từ việc "trị" Kat nhà mình, mình chia sẻ cùng các mẹ một vài "tuyệt chiêu" đối phó với trẻ trong các tình huống bé giận dữ.

Ôm bé vào lòng, xoa dịu và âu yếm bé

Con đang cáu giận mà mẹ cũng “hùa” theo cơn tức của bé thì thật đúng là “thảm họa”.

Có lần cả nhà đi mua sắm trong trung tâm thương mại, đến quầy búp bê, Kat hết sờ con này lại vuốt ve con kia. Cuối cùng kat dừng lại ở con búp bê to nhất và đòi mẹ mua. Đồ chơi của Kat quá nhiều nên mình không chiều ý, ẵm Kat rời khỏi quầy. Vậy là cô nàng giẫy tử, vật vạ ra khóc ròng còn hết toáng lên "không! không!". Mình đã ôm Kat vào lòng, xoa dịu và nói rằng nếu Kat ngoan, không khóc, lần sau mẹ sẽ mua. Được mẹ dỗ dành, cơn giận của Kat nguôi dần và chịu tự động đi theo mình mà không cần "cưỡng chế”.

Tìm nguyên nhân gây ra cơn giận dữ của bé

Mẹ "bơ" khi trẻ cáu không phải là ý kiến hay

Mẹ “bơ” khi trẻ cáu không phải là ý kiến hay

Những lúc cơn giận bộc phát, có thể bé đang mệt, đói hay bị đau ở đâu đó. Cũng có thể bé bức bối do cứ ở mãi một nơi. Hãy chắn chắn rằng con bạn được an toàn để bé không tự mình làm tổn thương khi bé đấm hoặc đá vào đâu đó.

Như Kat, có lẽ giống mẹ nên tính tình khá "nóng nảy", cứ không như ý là dậm chân kêu khóc. Có lần trái banh của Kat kẹt vào góc tủ, Kat cứ chúi đầu vào cố lấy ra nhưng không được lại đụng đầu vào cạnh tủ. Đau, bực, mất kiên nhẫn, thế là Kat làm dữ, gào thét. Mẹ đang trong bếp chẳng rõ nguyên nhân, mãi hồi lâu mới biết. Trái banh được lấy ra, Kat cũng chưa hả giận, cứ gào mãi. Mẹ đành bế Kat ra hiên nhà, chỉ con chim đang bay trên trời và nói đủ thứ chuyện trời trăng Kat mới bị phân tán cảm xúc và yên.

Đôi lúc bé thường chọn những nơi đông người để biểu lộ hành vi giận dữ, càng nhiều người xung quanh thì hành vi của bé càng tệ. Nếu bé lên cơn giận khi đang ở ngoài đường, mẹ không thể phớt lờ hành vi này quá lâu vì có thể gây nguy hiểm cho bé. Nếu cơn giận bắt đầu gia tăng và bé không thể bị phân tán, mẹ hãy đưa bé ra khỏi nơi đó xem sao.

Cố gắng hiểu bé

Kat nói chưa rành nên đôi khi con muốn điều này điều kia hay bị đau cũng không nói cho mẹ rõ được. Những lúc thấy Kat bắt đầu đỏ mặt tía tai, chắc chắn có nguyên nhân nên mình luôn cố gắng hỏi Kat, gợi ý câu trả lời để hiểu con muốn gì, đang bị gì, đau chỗ nào. Được mẹ quan tâm và nói đúng vấn đề, Kat hiểu nên vui vẻ và hài lòng ngay.

Đừng cố tình phớt lờ khi bé giận dữ

Những khi Kat có chiều hướng chuyển từ giận dữ sang hung hăng, vò đầu bức tóc, mẹ nên sẽ "vào cuộc" ngay vì trẻ gào thét quá lâu thành thói quen.

Như Kat nhà mình hay đòi hỏi đồ chơi, có khi là những vật dụng như điều khiển tivi, quạt trong nhà cho bằng được dù chẳng để làm gì. Tất nhiên, nếu không được hay lúc đó ba đang dùng điều khiển tivi "không chịu" đáp ứng, Kat sẽ la toáng lên ngay. Những khi đó, mẹ không phớt lờ mà "chữa cháy" cho Kat bằng thứ khác để yên chuyện và lợi dụng lúc Kat đã yên, mẹ giải thích cho Kat biết là ba đang tìm kênh hát nhạc cho con. Lần sau Kat không được thế nữa, vì vậy là không ngoan biết không? Kat gật đầu ra chiều hiểu chuyện và lần sau thật ngạc nhiên, Kat không đòi vô lý như thế nữa.

Không cố tình "nhát" bé

Một số cha mẹ khi con vòi vĩnh, giận dỗi thường có xu hướng dọa "ông kẹ", điều này càng kích thích sự sợ hãi của bé và làm bé khóc nhiều hơn, cảm xúc càng vượt ngưỡng dễ giận dữ hơn. Lúc đầu, khi bị dọa, bé sẽ sợ, nhưng nghe mãi "bài ca ông kẹ" dần bé sẽ "lờn" và biết ngay ba mẹ chỉ hù dọa. Kat nhà mình mà nghe nói đến "ông kẹ" là lặp tức nhắc lại "ông ẹ" rồi cưới hích hích chẳng sợ hãi gì, vì bà ngoại cứ suốt ngày dọa kẹ thôi! Chị em chú ý đừng cố tình lặp đi lặp lại mãi một lời dọa dẫm không có thật nhé!

Khen ngợi để bé hài lòng

Những lúc đi nhà trẻ về, Kat rất thích múa hát. Sau mỗi bài hát, mình đều vỗ tay hoan hô Kat rất giỏi, hát rất hay. Kat thích thú ra mặt, bẽn lẽn cười và cứ thế thấy nhà đông vui, Kat lại hát. Mẹ có thể khen bé ngoan, giỏi và bảo rằng những đứa trẻ ngoan sẽ không khóc nhè, không giận dữ. Bé hiểu được lời nói của mẹ sẽ kiềm chế được cơn giận.

Với cha mẹ, đôi khi đối diện với đứa con hung hăng, hay cáu giận làm bản thân mệt mỏi, mất bình tĩnh. Kéo dài dễ dẫn đến stress. Với những trường hợp này, mẹ có thể tránh mặt đi một lúc như ra ngoài để hít thở, lấy bình tĩnh. Tốt nhất mẹ đừng tự trách bản thân mình hay cảm thấy thất vọng về trẻ hoặc đổ lỗi cho bản thân chưa nuôi dạy con tốt. Hãy chọn cách chia sẻ với người khác về cảm giác lo lắng để tâm trạng nhẹ nhàng hơn.

8 bài thuốc trị ho hiệu quả cho con yêu

Posted: 11 Sep 2013 07:00 AM PDT

1. Chanh đào mật ong

Chanh đào thường có từ tháng 8, 9 trong năm, hiện ở miền Bắc đang vào mùa chín rộ. Khi chín vỏ chanh mỏng, màu vàng hanh chứa nhiều tinh dầu, ruột hồng đào, rất thơm. Ruột quả chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc… Ngoài ra, ruột quả chanh còn chứa hàm lượng đáng kể acid xi-tric (khoảng 8% khối lượng khô) nên rất có tác dụng phòng trị ho, khản tiếng. Bài thuốc chanh đào ngâm cùng mật ong vốn đã nổi tiếng từ lâu nhờ tác dụng vô cùng tuyệt diệu.

Chanh đào mật ong thích hợp với mọi gia đình, nhất là nhà có con nhỏ từ 1,5 tuổi trở lên. Vào ngày trời lạnh hay khi trẻ mới chớm ho thì buổi sáng ngủ dậy lấy một thìa cho trẻ uống. Với người lớn, hãy cắt lát quả chanh ngâm, trộn đều với nước trong hộp, nhai rồi ngậm khoảng 15-20 phút, sau đó nuốt, ngày vài lần.

lahe chanhdao

2. Quất hồng bì ngâm đường phèn

Nếu trẻ nhỏ dưới 1 năm tuổi chưa thể uống mật ong sống thì bài thuốc quất hồng bì ngâm đường phèn sẽ là một gợi ý lý tưởng. Tinh dầu trong quất hồng bì sẽ kích thích hệ hô hấp, giúp long đờm và tống đờm ra ngoài. Thêm vào đó, lượng vitamin C dồi dào  giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống cảm cúm.

Quất hồng bì có thể dùng cho trẻ uống hàng ngày mỗi sáng một thìa con giúp tăng sức đề kháng. Bài thuốc này không những hiệu quả với trẻ nhỏ mà còn cả với người lớn.

3. Hỗn hợp nước vo gạo và rau diếp cá

Rau diếp cá là một trong những vị thuốc kháng sinh tự nhiên rất hữu dụng. Chị em thường ngại cho con uống vì vị tanh và tính hàn của rau diếp cá. Nhưng khi đã cho vào nồi đun sôi, vị tanh kia lại biến mất và rất dễ uống. Rau diếp cá và nước vo gạo lại là phương thuốc chữa ho đặc trị và lành tính.

Một ngày, các mẹ hãy cho bé uống nước diếp cá tự chế khoảng 3 lần. Do diếp cá là loại thuốc kháng sinh chữa ho và sốt tự nhiên, mẹ  cũng nên cho bé uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ để thuốc phát huy công dụng hiệu quả nhất. Lưu ý: Khi chữa ho bằng rau diếp cá và nước vo gạo, các mẹ hạn chế cho bé ăn đồ tanh như tôm cua, thịt gà.

4. Lá hẹ hấp đường phèn

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến "món" lá hẹ hấp đường phèn. Hẹ không những là một loại gia vị rất tốt trong các bữa ăn, nó còn là vị thuốc rất quý trong chữa trị cảm ho, sốt sổ mũi cho trẻ em. Hẹ không có độc tính, dùng rất đơn giản: Mẹ chọn khoảng 5 – 10 lá hẹ và lượng đường phèn vừa đủ. Tất cả cho vào bát, hấp cách thủy. Sau đó chắt nước cho bé uống. Mỗi lần uống khoảng 2 – 3 thìa cà phê, uống 2 lần/ngày sẽ dịu ngay cơn ho, cảm, sốt.

lahe chanhdao

5. Nước tỏi mật ong

Mẹ có thể giã nát hai tép tỏi, trộn với hai thìa cà phê mật ong, đem hấp cách thủy cũng sẽ chế biên được một loại thuốc nước trị ho hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ chú ý không được hấp chín tỏi, nếm thử thấy vị hắc mùi tỏi là được. Cho bé uống nửa thìa cà phê, ngày từ 1 – 2 lần. Trước khi uống, nên cho bé uống nước lọc.

6. Lá xuơng sông

Lá xương sông không chỉ được dùng như một loại gia vị làm tăng thêm sự hấp dẫn cho các món ăn mà còn là một vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Ngoài tác dụng chữa đầy bụng, nôn mửa, tan ứ máu đọng, lá xương sông còn có tác dụng trị viêm họng và ho do cảm lạnh hoặc ho có đờm ở trẻ.

-  Nguyên liệu:

+ 2-3 lá xương sông bánh tẻ

+  5 thìa nhỏ mật ong

-  Cách làm:

+ Rửa sạch lá xương sông, thái nhỏ, cho vào bát cùng với 5 thìa mật ong.

+ Cho bát này vào hấp cách thuỷ rồi lấy nước cốt cho con uống.

+ Ngày uống 2 lần, uống liên tục trong khoảng 5 ngày

7. Tía tô

Tía tô còn có các tên é tía, tên Hán là tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Tía tô tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế – tâm – tỳ, không độc, trị ho rất tốt cho trẻ.

-  Nguyên liệu:

+ Lá tía tô

+ Hoa khế

+ Hoa đu đủ đực

+ Đường phèn

-  Cách làm:

+ Cho tất cả nguyên liệu đã rửa sạch vào bát sứ có ít nước lọc, đun cách thủy bằng lửa than, để sôi nhỏ lửa càng lâu càng tốt. Để nguội hoặc cho vào chai thủy tinh (không cho vào chai nhựa, không để vào tủ lạnh).

+ Hằng ngày cho bé uống khoảng 1/2 thìa cà phê, uống theo cách thấm dần ở đầu lưỡi, từ ít đến nhiều.

8. Cải cúc

Theo quan niệm Đông y, cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, thường dùng để nấu canh, nhúng lẩu nhưng cũng lại là vị thuốc chữa ho hiệu quả. Nếu là người lớn ho lâu ngày, chỉ cần dùng thường xuyên món canh cải cúc như: cải cúc nấu thịt nạc, nấu cá thát lát… Nhưng riêng với trẻ em, muốn trị được ho các mẹ cần phải bỏ ra một chút thời gian để chế biến. Cách thực hiện như sau:

-  Nguyên liệu:

+ Lá cải cúc

+ Mật ong

-  Cách làm:

+ Lá cải cúc rửa sạch, thái nhỏ sau đó thêm một ít mật ong vào và hấp cách thủy trong vòng khoảng 20 phút cho ra nước rồi cho bé uống.

+ Nên cho bé uống khoảng từ 3 – 5 ngày.

Bé chơi gì trong dịp trung thu?

Posted: 11 Sep 2013 05:00 AM PDT

Cuộc sống hiện đại với hàng ngàn đồ chơi Trung thu làm sẵn, màu sắc sặc sỡ, được du nhập từ nhiều nguồn khác nhau, đang khiến trẻ em Việt Nam "xa dần" với văn hóa truyền thống.

Tết Trung thu sắp đến rồi, mỗi mùa trăng tròn tháng Tám, nhiều người đã qua cái tuổi náo nức phá cỗ, trông trăng lại nao lòng nhớ lại những dịp Trung thu cổ truyền, những ngày tết cho trẻ em và cả các bậc cha mẹ thỏa sức sáng tạo với đèn ông sao tự làm từ giấy thủ công, họa báo, mặt nạ tự vẽ bằng bìa carton, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn hạt bưởi tự chế….

Đèn ông sao được làm bằng tre, nứa và giấy màu với đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc mà vẫn

Đèn ông sao được làm bằng tre, nứa và giấy màu với đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc mà vẫn "đẹp lung linh".

Cuộc sống hiện đại với hàng ngàn đồ chơi Trung thu làm sẵn, màu sắc sặc sỡ, được du nhập từ nhiều nguồn khác nhau, đang khiến trẻ em Việt Nam "xa dần" với văn hóa truyền thống. Một số nhà nghiên cứu văn hóa khuyến nghị rằng "Trong dịp Trung thu, hãy cho các trẻ nhỏ hóa trang thành các nhân vật truyền thống như chú Cuội, chị Hằng… Cho các bé rước đèn ông sao quanh phố, trông trăng và cần giảng giải để các bé hiểu nghĩa của trông trăng là gì, hiểu ý nghĩa của trò chơi dân gian dịp Trung thu, bày cỗ Trung thu, hát trống quân. Mở ra các trò chơi dân gian, qua trò chơi, mối quan hệ giữa các thế hệ trong từng gia đình, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cộng đồng với xã hội sẽ thêm thắt chặt. Nếu làm được điều đó thì những giá trị văn hóa truyền thống mãi bền vững, trường tồn." (Theo Thời Báo Ngân Hàng)

den1

Thấu hiểu mong muốn của các bậc cha mẹ, FasTraKids – Chương trình làm giàu kiến thức và phát triển kỹ năng sống mong muốn mang đến cho các em nhỏ một Trung Thu ý nghĩa, bổ ích, vui tươi và mang đậm âm hưởng truyền thống. Chương trình được thực hiện chất lượng và hấp dẫn với nội dung:

- Trẻ tìm hiểu về ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo

- Trải nghiệm làm bánh dẻo – một trong những loại bánh truyền thống trong ngày Tết Trung Thu

- Tự thiết kế và làm một chiếc đèn lồng xinh xắn cho chính mình

- Xem múa Lân, xem kịch Sự tích Chú Cuội cung Trăng và cùng bạn bè phá cỗ trông Trăng.

Rất đông các bạn nhỏ đã vui mừng, háo hức đến tham gia chương trình "Kết Đèn Ông sao, Chào đón Trung thu" tại Trung tâm FasTracKids- Bé Thông Minh vào ngày hôm qua 09/09/2013.

den2

Cùng Bé Thông Minh lưu giữ những kỉ niệm đáng nhớ cho con yêu

Lần đầu tiên được tự tay làm chiếc đèn Trung thu là trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ, bạn nào cũng chăm chỉ và khéo léo dán giấy, trang trí chiếc đèn của riêng mình thật là đẹp.

Trải nghiệm thú vị khi được tự tay làm đèn ông sao

Trải nghiệm thú vị khi được tự tay làm đèn ông sao

Các FasTracKids – Bé Thông Minh rất tự hào với những chiếc đèn đẹp lung linh và cùng nhau rước đèn, phá cỗ trong không khí náo nhiệt, vui vẻ. Trung thu này thật có ý nghĩa với các bạn nhỏ, với trải nghiệm này các bạn hiểu hơn về phong tục của dân tộc, về cách làm một chiếc đèn ông sao và niềm vui của chính sự nỗ lực của mình.

Trẻ làm đèn ông sao và hướng đến truyền thống dân tộc

Trẻ làm đèn ông sao và hướng đến truyền thống dân tộc

Chương trình tiếp tục được tổ chức vào các ngày 14/09 và 15/09 tại CitySmart – Hệ thống Giáo dục Quốc tế cho Trẻ em:

+ 17:00 – 19:00 ngày 14/9/2013 tại Tầng 7 , Vincom 2, 114 Mai Hắc Đế, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội

ĐT: 04 2220 6848/ 091 719 6848

+ 17:00 – 19:00 ngày 15/9/2013 tại 162A Hoàng Hoa Thám, Q. Tây Hồ, Hà Nội

ĐT: 043 728 2528/ 097 601 9048

Quý vị phụ huynh và các em nhỏ quân tâm đến chương trình có thể xem thông tin tại:

Website: www.FasTracKids.vn

Cặp nhiệt độ cho bé thế nào là tốt nhất?

Posted: 11 Sep 2013 04:00 AM PDT

Cha mẹ nên chọn nhiệt kế điện tử khi đo nhiệt độ cho bé. Nhiệt kế điện tử dễ sử dụng, dễ đọc, cho kết quả nhanh, thường sau 10 giây đến 2 phút. Nếu bạn có một chiếc nhiệt kế bằng thuỷ tinh cũ, bạn hãy cẩn thận khi dùng cho con. Loại nhiệt kế này dễ bị rò thuỷ ngân nên rất nguy hiểm.

Một số loại nhiệt kế điện tử thiết kế riêng để cặp nhiệt độ ở hậu môn nhưng phần lớn có thể dùng ở hậu môn, miệng hoặc cặp ở nách cho con. Nhiệt kế điện tử đo ở tai còn gọi là nhiệt kế đo tai thường đắt nhất và ngoài dùng ở tai, nó không thể đo nhiệt độ ở đâu khác.

Mỗi cách cặp nhiệt độ (ở hậu môn, tai, miệng hay nách) đều có thuận lợi và bất tiện riêng. Nhưng với các cặp nhiệt độ ở miệng, chỉ an toàn với những bé đủ lớn. Cha mẹ có thể chọn một cách thích hợp hoặc có thể hỏi ý kiến bác sĩ về chuyện này.

Tránh cặp nhiệt độ sau khi bé tắm vì lúc này, thân nhiệt của con thường chưa chuẩn. Hãy đợi ít nhất 20 phút sau khi bé tắm để bắt đầu cặp nhiệt độ vì khi đó, kết quả của nhiệt kế mới chính xác.

capnd1. Cặp nhiệt độ ở hậu môn

Bác sĩ có thể chỉ định cách cặp nhiệt độ ở hậu môn cho bé dưới 3 tháng tuổi. Vì với nhóm bé nhũ nhi, đo nhiệt độ ở hậu môn thường cho kết quả chính xác nhất. Một số bé thoải mái khi được cha mẹ cặp nhiệt độ ở hậu môn nhưng một số bé khác thì không. Nếu bé có biểu hiện chống đối, thử chuyển sang cách đo nhiệt độ ở nách cho con.

Một số gợi ý khi cặp nhiệt độ ở hậu môn cho con:

- Chọn mua nhiệt kế hậu môn có một đầu nhọn linh hoạt và tay cầm rộng để đầu nhọn của nhiệt kế đi vào hậu môn của bé vài cm là được. Nếu những loại nhiệt kế có đầu nhọn dài, còn tay cầm hẹp thì khi bé quấy khóc, đầu nhọn của nhiệt kế dễ đi sâu vào hậu môn, có thể gây nguy hiểm.

- Trước khi đo nhiệt độ, cần rửa sạch đầu nhọn của nhiệt kế với chất tẩy rửa chuyên dụng và nước ấm. Tráng lại với nước mát. Sau đó, lau khô nhiệt kế.

- Giữ bé nằm trong lòng mẹ với bụng úp xuống dưới, mông hướng lên trên. Hoặc có thể đặt bé nằm ngửa, đo nhiệt độ cho con cũng tương tự cách thay tã, bạn nhấc hai chân bé lên và kẹp nhiệt kế vào hậu môn.

- Đưa đầu nhọn vào hậu môn của con, khoảng 1,3-2,5cm là được, quan sát thấy không còn nhìn thấy đầu nhọn nhiệt kế nữa thì dừng lại.

- Khi có tín hiệu cho biết công việc đã hoàn thành, hãy rút nhiệt kế ra và bắt đầu đọc kết quả. Đảm bảo rằng quá trình đo nhiệt độ không kích thích bé đi tiêu; vì thế, nếu bé có đi tiêu một chút sau khi bạn rút nhiệt kế ra thì cũng là điều bình thường. Rửa sạch nhiệt kế với nước rửa chuyên dụng (hoặc xà phòng) và nước ấm, lau khô trước khi cất nhiệt kế.

2. Đo nhiệt độ ở tai

Đo nhiệt độ ở tai thường được tiến hành ở trung tâm y tế hay bệnh viện vì nó nhanh, an toàn và không gây khó chịu cho bé. Có điều cách đo này không được chính xác cao như những phương pháp khác. Đo nhiệt độ ở tai không được chỉ định cho bé dưới 3 tháng tuổi do thời điểm này, ống tai của bé còn hẹp.

3. Đo nhiệt độ ở nách

Nhiều người mẹ chọn cách cặp nhiệt độ cho con ở nách vì nó đơn giản, an toàn, thuận tiện. Nhưng so với cách cặp ở hậu môn, đo ở nách có thể chênh lệch tới 2º. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên dùng cách cặp nhiệt độ cho bé dưới 3 tháng tuổi vì kết quả chính xác với nhóm bé này là cực kỳ quan trọng.

Khi đưa cặp nhiệt độ vào nách, đảm bảo bé ép sát cánh tay có cặp nhiệt độ dọc theo chiều dài cơ thể, cho bé ngồi trong lòng bạn chẳng hạn. Hãy giúp bé thư giãn bằng cách chỉ cho con xem một cuốn sách. Cần đảm bảo vùng da nách ở bé được khô ráo để nhiệt kế không bị trượt khỏi nách. Một tay của mẹ hãy giữ lấy tay cặp nhiệt độ của con hoặc để cho tay có nhiệt kế của bé được gập lại, ngang với ngực của bé.

Chỉ dùng nhiệt kế ở miệng cho bé 4-5 tuổi. Vì khi đó, bé mới đủ lớn để giữ nhiệt kế trong miệng một cách an toàn và đúng thời gian.

Các mẹ nên biết rằng, trên 37ºC không phải lúc nào cũng là bé bị sốt…

0 Nhận xét