Mẹ Yêu Con ORG

Mẹ Yêu Con ORG


Đến bao giờ con mới hiểu tấm lòng của mẹ?

Posted: 09 Sep 2013 08:05 PM PDT

Nhìn đứa con gái mẹ từng bế ẵm với bao yêu thương giờ nhìn mẹ với ánh mắt căm thù, mẹ đau quá!

Mẹ sinh con muộn. Mẹ 50 con gái mới 15. Có lẽ vì cách biệt tuổi tác nên đã ngăn cách sự thấu hiểu giữa hai mẹ con mình. Con chưa đủ hiểu, làm mẹ, ngoài tình thương, còn là bổn phận. Bổn phận dạy con phải biết cư xử, biết sống thế nào là đúng, biết thế nào là sai, là xấu, biết chọn bạn mà chơi, biết thấu hiểu, cảm thông và sống chân thành. Hạnh phúc nhất của một người mẹ, không phải là nhìn thấy con giàu sang thành đạt, mà thấy con thành người hữu ích, sống tình cảm và nên người.

Mẹ không kỳ vọng ở con sự nổi trội. Chỉ mong con lớn từng ngày theo đúng lứa tuổi của mình, đừng tập tành, tiêm nhiễm những thói hư của người đời ngày nay. Có lẽ thế, nên đôi khi mẹ hay căng thẳng trong cách quản lý, giáo dục con làm con có cảm giác ngột ngạt, nhưng không có nghĩa là con phản ứng bằng cách xa lánh, không chia sẻ cùng mẹ.

Đọc báo chí, mẹ biết được gần đây có một cô ca sĩ cũng vì những mâu thuẫn với mẹ mà đã rời khỏi nhà sống riêng. Mẹ cũng giật mình xét lại cách đã "quản lý" con bấy lâu nay có phải đã quá khắt khe, để đến lúc con cũng tự giằng ra khỏi tay mẹ?

Chẳng lẽ con không tin rằng những điều mẹ làm đều vì muốn con được an toàn và khỏe mạnh?

Chẳng lẽ con không tin rằng những điều mẹ làm đều vì muốn con được an toàn và khỏe mạnh?

Còn nhớ khi con lên 10, một ngày từ trường về nhà, con đã khoe với mẹ chiếc bút máy rất đẹp, trên đó còn có hiệu tiếng Anh. Mẹ hỏi ai cho con, con ngập ngừng hồi lâu mới dám nói của bạn ngồi cạnh bên. Ba bạn ấy đi nước ngoài về mua cho bạn, bạn khoe con. Con thích quá nên đã lén "mượn tạm" về nhà vài hôm rồi trả lại. Khoảnh khắc đó mẹ quá tức giận đã phát mấy đòn vào mông con. Mắng con là "đứa ăn cắp". Con khóc ròng, nép sát vào tường trước cơn thịnh nộ của mẹ… Nhìn con khóc, mẹ cũng khóc. Mẹ tự trách mình là người mẹ thất bại, đã không dạy được con phân biêt tốt – xấu; không cho con biết rằng lấy đồ của bạn đồng nghĩa với việc ăn cắp – việc làm tồi tệ nhất. Mẹ đã không giải thích với con mà liền tay bạo lực để thỏa cơn giận. Là mẹ sai. Từ ngày đó, mẹ đã tự hứa với lòng sẽ dạy dỗ con bài bản hơn, đàng hoàng hơn để con sẽ tự đánh giá được sự việc và tránh phạm sai lầm.

Rồi con vào tuổi 15, mẹ bảo con phải chọn bạn mà chơi. Bạn đến nhà, nhìn nhóc nào nào có vẻ ngỗ ngược, mẹ lại tốn công sức tìm hiểu cặn kẽ gia đình, nguồn gốc để an tâm con không bị ảnh hưởng xấu. Trước những câu hỏi của mẹ, con trả lời tiếng được tiếng mất, có khi lại bực dọc, lên phòng sập cửa lại… Con phật ý khi mẹ can thiệp chuyện bạn bè. Con bắt đầu biết đến rạp chiếu phim, quán cà phê. Mỗi cuối tuần đều đặn, con đều hẹn hò đi chơi. Con trang điểm, mẹ không hài lòng. Mẹ bảo con đang tuổi lớn, da nhạy cảm, mỹ phẩm vào dễ hư hại cho da, sau này sẽ không đẹp nữa. Con cãi, chúng bạn con đều như vậy cả, không trang điểm con sẽ lỗi thời. Rồi con dùng dằng ra cửa. Mẹ nhìn theo bất lực. Nếu mẹ làm dữ hơn, con lại càng khép mình lại, xa lánh mẹ…

Mẹ đem chuyện nói với bố, mong rằng bố sẽ có cách hay… Trong buổi cơm gia đình, bố bảo dạo này thanh thiếu niên cãi lời cha mẹ nhiều, làm điều xấu cũng nhiều nên có hậu quả đáng tiếc. Bố bảo con gái của bố ngoan hiền, cố gắng học tập, chuyện quần áo thời trang để sau này lớn hơn tí nữa hãy chú ý đến. Con liếc nhìn mẹ có vẻ trách móc… Từ ngày đó, con đi học rồi về ở mãi trong phòng, tránh mặt mẹ. Cả tuần mẹ con không nói được quá năm câu. Mẹ cũng không biết con đang vui buồn, đang nghĩ gì, làm gì, mọi thứ có ổn không. Bức tường giữa hai mẹ con quá lớn mà không cách nào phá ra được.

Hôm lễ vừa rồi, con soạn đồ xong mới xuống xin mẹ cho đi du lịch cùng bạn. Mẹ bảo lễ lạc đông người, dễ có chuyện không hay, con nên ở nhà. Vậy là con giận, xách ba lô về nhà ngoại ở suốt 3 ngày nghỉ…

Chẳng lẽ con không tin rằng những điều mẹ làm đều vì muốn con được an toàn và khỏe mạnh? Đến bao giờ con mới biết có những lo lắng đôi khi thái quá đó vì mẹ là mẹ của con? Đến bao giờ con sẽ hiểu được niềm hạnh phúc tột cùng của mẹ là được con tin tưởng và yêu thương?

Tiểu học chỉ nên vừa học vừa chơi

Posted: 09 Sep 2013 07:15 PM PDT

Theo GS Văn Như Cương, sự học là cuộc chạy marathon trong đó cấp 1 không phải là giai đoạn nước rút…

Gặp Giáo sư Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội) khi hàng triệu học sinh Việt Nam vừa bước vào năm học mới, người thầy giáo với hàng chục năm gắn bó với ngành giáo dục vẫn mang trong mình nhiều trăn trở. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, cách giáo dục của một bộ phận phụ huynh đang khiến con cái trở nên lười biếng và chỉ có suy nghĩ cho riêng mình. Cuộc trao đổi của chúng tôi với Giáo sư sẽ đưa đến cho phụ huynh đặc biệt những bố mẹ có con vừa bước vào lớp 1 có những kinh nghiệm quý báu.

Osin, gia sư làm hư con

Năm học mới 2013-2014 đã bắt đầu được ít ngày, có lẽ còn quá sớm để nói đến những kết quả sẽ làm được khi kết thúc năm học. Tuy nhiên, xin Giáo sư cho biết những điều mà bản thân kỳ vọng ngành sẽ làm được trong năm học này?

Nếu bây giờ chưa có kế hoach lâu dài để thay đổi cơ bản, toàn diện thì ngành giáo dục ít nhất cũng nên thay đổi những điều mà rõ ràng là không tốt. Ví dụ một trong những vấn đề xã hội đều thấy trong hàng chục năm nay là chương trình quá nặng nề, học sinh học rất vất vả. Về việc này, trong năm nay, Bộ có thể làm được việc chỉ thị những môn học nào, chương trình nào cắt bỏ những chương hay bài nào.

Việc giảm tải đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo thực hiện trong vài năm trở lại đây nhưng đó là đưa ra những cắt giảm vụn vặt, chắp vá như môn Toán bỏ ví dụ này, ví dụ kia…Ngoài vấn đề giảm tải, cần làm quyết liệt để chấn chỉnh và chống việc dạy thêm học thêm. Điều này đã được ngành giáo dục thực hiện nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Lễ khai giảng năm học mới đã hoàn tất, tôi rất mong muốn, ngành giáo dục sẽ giảm tải chương trình phổ thông.

Bức tâm thư của Giáo sư gửi tới phụ huynh vào thời điểm cả nước rộn ràng không khí khai giảng năm học mới đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Những gì được đề cập là tâm huyết của bản thân nhưng qua đó phải chăng Giáo sư cũng nhận ra cách giáo dục con của phụ huynh đang có vấn đề?

Trong cách dạy con của phụ huynh hiện nay đúng là có vấn đề. Một số phụ huynh chiều chuộng con cái quá mức và không bắt con làm gì. Và chính Osin và gia sư làm hư con. Vì osin làm thay tất cả từ việc nhỏ đế việc lớn, biến đứa trẻ thành không biết lao động.

Khi trẻ đến trường mầm non, được cô giáo hướng dẫn tự cởi giày dép, mũ, cặp để đúng nơi quy định. Trẻ con rất thích làm những việc này. Tuy nhiên, khi về đến nhà, dép cởi ra sẽ có osin đi cất. Lên cấp 2, khi về nhà, thay quần áo có người giặt và gấp. Ăn cơm xong không phải rửa bát vì có osin hoặc mẹ làm thay.

Còn về gia sư làm cho trẻ không động não. Ví dụ ngày mai thầy giáo chữa bài tập, nếu tối nay không có gia sư đến dạy thì trẻ sẽ tự làm, suy nghĩ, đến khi không làm được thì trẻ sẽ tự hỏi bạn bè hoặc bố mẹ. Tuy nhiên, vì có gia sư đến dạy, nếu giảng mà không hiểu thì gia sư sẽ nói mở vở ra rồi đọc cách giải luôn. Ngày hôm sau, trẻ đưa 3 bài toán lên bảng, thầy giáo cho 10 điểm. Khi phụ huynh thuê gia sư kèm con em mình thì gia sư phải tạo được sự tin tưởng bằng việc học sinh tiến bộ. Vì vậy người gia sư phải tỏ ra là học sinh mình dạy kèm đang tiến bộ nhưng rõ ràng không có tiến bộ gì cả.

Giáo sư Văn Như Cương cho rằng: "Tiểu học chỉ nên vừa học vừa chơi, phụ huynh không nên quá lo lắng"

Giáo sư Văn Như Cương cho rằng: “Tiểu học chỉ nên vừa học vừa chơi, phụ huynh không nên quá lo lắng”

Cũng cách đây ít hôm, cộng đồng mạng xôn xao về câu chuyện học mầm non ở Nhật Bản. Cách dạy về tự lập của người Nhật khiến mọi người không khỏi choáng. Phụ huynh Việt Nam dường như đã nhận ra được tác dụng của điều này, nhưng theo Giáo sư vì sao ngành giáo dục chúng ta chưa làm được những điều như họ?

Tôi nghĩ rằng cách giáo dục này đã được một số trường mầm non bài bản ở Việt Nam đưa vào áp dụng. Tuy nhiên, giữa phụ huynh và nhà trường cần có sự phối hợp. Bởi vì, có khi trẻ về nhà, vứt đôi dép ra sàn thì bố mẹ cần nhắc nhở con để đúng chỗ, chứ không phải làm thay hay để osin làm. Hay ví dụ như khi ở trường dạy về luật giao thông có quy định khi gặp đèn đỏ phải dừng lại. Tuy nhiên, trên đường đón con về, qua chỗ ngã tư có đen đỏ thấy vắng vẻ có bố mẹ vẫn sẵn sàng vượt. Như vậy là phản tác dụng. Cho nên, giáo dục ở gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp để đạt được hiệu quả.

Không ít phụ huynh nói muốn dạy con tự lập nhưng lại sợ con bị mệt hay không lo được cho bản thân nên lại giúp con làm mọi việc. Phải chăng điều này là mâu thuẫn ngay trong suy nghĩ của nhiều bố mẹ?

Mâu thuẫn trong phụ huynh như vậy là rõ ràng, với bố mẹ không có quan điểm thì một bên nói muốn con tự lập nhưng lại cứ thích làm hộ con mọi việc. Tuy nhiên, điều đáng nói nữa là sai lầm ngay trong nhận thức. Có phụ huynh quan niệm để cho con tự lập là cho con thời gian, tiền bạc để con suốt ngày chỉ có học, đi học các lò luyện thi hay mua đồ xịn để trao đổi với bạn bè… song điều này không biết đang vô tình làm hư con.

Hiểu biết và thời gian dạy con còn thiếu

Vấn đề trường điểm, lớp chọn đã bớt nóng trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những phụ huynh còn xem đây là chuyện rất quan trọng và tạo áp lực cho con. Phải chăng tâm lý thích cái gì cũng nhất của phụ huynh, khiến căn bệnh trầm kha này chưa thực sự chấm dứt?

Với nhiều phụ huynh, cái gì cũng muốn mình là nhất. Trong lớp, muốn con là nhất, chỉ cần xuống vị trí thứ hai hay ba đã là không bằng lòng. Tôi đồng tình với việc không chấm điểm ở lớp 1. Đi học không phải là để xếp thứ tự hay xem học sinh nào hơn học sinh nào. Vấn đề quan trọng là phải biết con mình như thế nào và cách dạy con.

Một năm học mới đã bắt đầu với bao kỳ vọng về sự đổi mới của ngành giáo dục

Một năm học mới đã bắt đầu với bao kỳ vọng về sự đổi mới của ngành giáo dục

Có phụ huynh cố gắng cho con vào trường tiểu học mà người này truyền tai người kia là trường điểm để hơn những đứa trẻ khác, hết tiểu học thì vào trường THCS cũng được truyền tai là "trường điểm"… để vào đại học. Mục tiêu cuối cùng mà hầu hết phụ huynh hướng đến cuối cùng là đại học. Nhiều phụ huynh vẫn có suy nghĩ muốn vào đại học thì cứ phải ở vị trí cao trong lớp.

Điều đó có nghĩa sự kỳ vọng mà không ít phụ huynh Việt Nam đặt lên vai con đang quá lớn, thưa Giáo sư?

Kỳ vọng vào con cái bao giờ cũng có. Vấn đề đặt ra là đôi khi kỳ vọng không đánh giá đúng năng lực của con để đặt ra mục tiêu vừa phải. Tại sao nhiều gia đình biết năng lực của con không thể đổ đại học mà vẫn cứ bắt đi học thêm. Rõ ràng trong tư tưởng của nhiều người vẫn nghĩ là học để làm quan. Có những nghề như đầu bếp, làm tóc… có thể chỉ cần học trung cấp mà vẫn rất vinh quang nhưng nhiều người trong xã hội vẫn chưa hiểu được điều này.

Như Giáo sư nói ở trên về chuyện phụ huynh cố gắng bù đắp cho con bằng việc cho tiền mua cái này cái kia nhưng dường như vẫn còn tồn tại một "khoảng trống" trong việc dạy con hiên nay?

Hiểu biết và thời gian của phụ huynh để dạy con còn thiếu. Ở các nước trên thế giới, có những lớp học dạy dỗ cách làm bố, làm mẹ như thế nào. Nếu không có những lớp như vậy thì báo chí cần có các chuyên đề hướng dẫn thêm về điều này. Nhiều phụ huynh bây giờ phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, không phải lúc nào cũng có mặt đầy đủ cha mẹ và con cái trong bữa cơm gia đình để trò chuyện với nhau.. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc giáo dục, khuyên răn con. Bởi chỉ cần thông qua bữa cơm có thể tâm sự, hướng dẫn để con em hiểu hơn về những điều trong cuộc sống.

Một chương trình học như Giáo sư nói là quá nặng, có vẻ như việc dạy chữ đang được chú ý hơn là yếu tố dạy làm người?

Gia đình lăn lộn với mưu sinh, bận rộn là thế, trách nhiệm của nhà trường là dạy học sinh về lòng nhân ái, cái đúng, cái sai…Ví dụ hai bạn đánh nhau, thái độ của mình trước sự việc đó như thế nào, báo cáo với cô giáo hay đứng ngoài cổ vũ… Việc dạy về làm người không thể chỉ dừng ở việc học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân với lý thuyết sách vở. Chúng ta phải để các em tự giáo dục nữa, cho học sinh tham gia các chuyến dã ngoại là điều cần thiết.

Cần có quy định rõ ràng, khi đến trường, bao nhiêu phần trăm chương trình học kiến thức văn hóa, bao nhiêu phần trăm học về làm người. Theo tôi cần ở mức cân bằng 50-50.

Tiểu học chỉ nên "vừa học vừa chơi"

Hiện nay, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Giáo sư có ý kiến như thế nào về điều này?

Việc bố mẹ cho con học thêm trước khi vào lớp 1 là rất có hại. Bởi, chương trình lớp 1 của Việt Nam không nặng lắm. Tuy nhiên, có tình trạng một số thầy cô làm nặng thêm chương trình. Như cháu tôi khi học lớp 2, gần 23h đêm vẫn gọi điện để nhờ giảng về một bài toán ngoài sách giáo khoa. Hoặc trước khi về Tết, có thầy cô ra tới 20 bài khó để học sinh làm. Khi viết sách giáo khoa không ai đưa ra những bài như thế cả.

Vậy, Giáo sư có lời khuyên như thế nào với phụ huynh vừa có con bước vào lớp 1 – ngưỡng cửa quan trọng trong hành trình học tập kéo dài trước mắt?

Khi con học tiểu học thì chỉ nên vừa học vừa chơi, phụ huynh không nên quá lo lắng. Bây giờ áp dụng không chấm điểm nữa thì hãy để các cháu được thoải mái. Sự học là một cuộc chạy marathon, không ai chạy nước rút ngay khi mới bắt đầu. Học cũng cần sự thong thả, có thời gian nghỉ ngơi. Chạy nước rút là giai đoạn cuối chứ không phải ngay khi vừa bắt đầu.

Xin Giáo sư bật mí một chút kinh nghiệm về cách dạy con học và đối nhân xử thế của gia đình?

Với gia đình tôi, có kinh nghiệm nào của ông cha thì tôi áp dụng để dạy con. Tôi để con cái tự học, khi con hỏi thì giải thích cặn kẽ. Tôi chú ý thời gian tới học của các con, khi học cần chú tâm và tập trung. Tôi không cho con đi học thêm, chỉ có những năm cuối cấp có nhóm bạn. Còn với việc dạy đối nhân xử thế, trước hết bố mẹ phải làm gương trong ứng xử với hàng xóm làng giềng, bạn bè, học sinh…

Xin cám ơn Giáo sư!

Giáo sư Văn Như Cương sinh năm 1937 tại làng Quỳnh Đôi, Huyện Quỳnh Lưu – Tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha của ông là một thầy giáo dạy chữ Hán trong làng

Ông từng học chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ Toán năm 1971

Ông từng giảng dạy tại Khoa Toán (Đại học Sư phạm Hà Nội), Đại hoc Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh)

Ông là chủ biên của nhiều đầu sách giáo khoa, tham khảo và giáo trình đại học.

Năm 1989, ông mở trường THPT DL Lương Thế Vinh,Hà Nội và liên tục giữ vai trò Hiệu trưởng từ đó đến nay.

Cho con ăn uống thế nào thì bé phát triển tốt?

Posted: 09 Sep 2013 04:00 AM PDT

Hàng ngày em cho bé uống canxi loại thuốc nước 500 mg lúc 7h đến 7h30; tắm nắng từ 6h30 sáng trong 15 phút hoặc uống Vitamin D3 1-2 giọt vào 9h sáng những ngày không nắng.

Nhà gần biển nên em có điều kiện cho cháu ăn dặm với đa dạng các loại hải sản. Bé bú mẹ và uống sữa công thức đủ lượng, ăn phô mai và sữa chua, váng sữa thay đổi. Bé tiêu hóa tương đối tốt, thỉnh thoảng táo bón 1-2 ngày, tháng khoảng 1-2 lần.

Bé nhà em 8 tháng, cao 68 cm, nặng 8,7 kg. Mẹ 160 cm, ba 163 cm. Như vậy bé nhà em có thấp so với chuẩn? Làm sao để kiểm soát lượng đạm vừa đủ với nhu cầu đúng với độ tuổi của bé, tính thực phẩm thế nào để không ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ạ? Nhờ bác sĩ hỗ trợ giúp. Cảm ơn bác sĩ (Phan Thị Thanh Huệ)

Các sản phẩm của sữa (sữa chua, váng sữa, phô mai...) nên để khi bé qua 9 tháng tuổi mới cho ăn, theo lời khuyên của bác sĩ.

Các sản phẩm của sữa (sữa chua, váng sữa, phô mai…) nên để khi bé qua 9 tháng tuổi mới cho ăn, theo lời khuyên của bác sĩ.

Trả lời:

Chào Thanh Huệ,

Bé 8 tháng tuổi có cân nặng và chiều cao theo tuổi là 7,9 kg và 68,7 cm đối với trẻ gái và 8,6 kg và 70,6 cm đối với bé trai. Bé của em đã đạt chuẩn tăng trưởng.

Chế độ ăn hàng ngày của bé cho đến 9 tháng tuổi nên có 2-3 bữa bột đủ 4 nhóm dinh dưỡng cân đối, lượng thực phẩm cho một chén bột khoảng một muỗng ăn cơm thịt/cá/tôm/đậu hũ băm nhuyễn, một muỗng ăn cơm rau xanh băm nhuyễn và một muỗng tương tự dầu ăn, sữa cho uống khoảng 800 ml, trái cây tươi.

Các sản phẩm của sữa (sữa chua, váng sữa, phô mai…) nên chờ bé qua 9 tháng tuổi mới cho ăn để bé được uống đủ sữa. Bé bú đủ sữa, và được cho ăn với thực đơn phong phú, nhiều hải sản vùng biển, được phơi nắng đủ thì không cần uống bổ sung canxi hàng ngày như em cho bé uống hiện nay.

Xin lưu ý là tất cả loại thuốc cho bé uống đều phải có chỉ định của bác sĩ. Em đã có phần lo lắng hơi nhiều về chiều cao của con trong khi bé mới 8 tháng tuổi. Chiều cao của bé do nhiều yếu tố quyết định, vai trò của dinh dưỡng là quan trọng, luyện tập thể thao, nghỉ ngơi đầy đủ và không thể thiếu yếu tố gia đình, cha mẹ không cao thì con khó mà cao vượt trội được.

Thân mến.

Bác sĩ Hoàng Thanh Thủy
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng I

Cha mẹ không nên đeo trang sức quý cho trẻ nhỏ

Posted: 09 Sep 2013 02:00 AM PDT

Trẻ có thể gặp nguy hiểm khi đeo trang sức trên người. Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ án trẻ nhỏ bị giết hại đau lòng do đeo trang sức. PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cảnh báo: Thói quen đeo đồ trang sức cho con không chỉ gây ra những tổn thương, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng mà còn có tác dụng "ngược" trong việc nuôi dưỡng tâm hồn.

Gặp họa vì đeo trang sức

Như GĐ&XH đưa tin, cháu Nguyễn Văn Thọ, 6 tuổi, trú tại xóm Sắn, xã Trung Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị giết hại dã man. Đối tượng là Nguyễn Văn Quang (15 tuổi, trú cùng xóm), nghiện game online, khi nhìn thấy cháu Thọ đeo một sợi dây chuyền bằng bạc, đã rắp tâm sát hại để chiếm đoạt. Trước đó, em Phan Thị Linh (SN 1996, ở Đại Lộc, Quảng Nam) cũng đã bị giết hại vì hung thủ muốn chiếm đoạt 2 chiếc nhẫn vàng đeo trên tay.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết, nhiều trẻ em được bố mẹ cho đeo trang sức đắt tiền ngay từ nhỏ để làm đẹp. Đó cũng chỉ xuất phát từ việc cha mẹ yêu thương con. Tuy nhiên, trong xã hội xuất hiện nhiều tệ nạn mà trẻ nhỏ đeo trang sức dễ dàng trở thành nạn nhân. Đối tượng có thể là con nhà hàng xóm mê chơi game không có tiền, sinh lòng tham rồi ngó nghiêng tới những món đồ trang sức có giá trị trên người con bạn. Rồi người nghiện hút, chơi bời lêu lổng khi nhìn thấy trang sức của con bạn có thể bất chấp để làm liều… Chúng thường nghĩ, các em còn nhỏ không đủ sức chống cự, lại dễ bị gạt. Hậu quả có thể chỉ bị mất của, nhưng nghiêm trọng hơn là có thể chịu thương tật khi bị giật trang sức, thậm chí là bị sát hại như những trường hợp trên…

trangsuc

TS.Tâm lý Nguyễn Kim Quý (Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567) cho rằng, ngay cả người lớn cũng đã có nhiều trường hợp mất mạng vì đeo trang sức. Vì thế, trẻ đeo những thứ trang sức giá trị có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào: Khi trên đường đi học về, lúc ra cổng, ngõ, sang nhà hàng xóm chơi với bạn bè… Bản thân trẻ nhỏ chưa ý thức được giá trị của trang sức và chưa có khả năng tự bảo vệ mình trong những tình huống bất lợi. Cha mẹ, thầy cô thì không phải lúc nào cũng có thể kè kè ở bên để trông nom, quản lý được trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ em đeo trang sức để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Hãy dạy trẻ cách tự bảo vệ mình

Hằng ngày cha mẹ nên cùng con chơi những trò chơi tình huống, sắm vai, hãy đố con nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh khó khăn, sự cố xảy ra… Cha mẹ có thể biến những câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy thành bài học chia sẻ với trẻ, giúp con hiểu trong tình huống đó nên làm gì. Chỉ ra cho trẻ những người có thể tin cậy được là bố mẹ, ông bà hoặc những người bé có thể nhờ cậy như thầy cô giáo, người quen thân ruột thịt…

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhiều cha mẹ nghĩ cứ cho con đeo trang sức quý là sẽ đẹp. Tuy nhiên, không phải cứ mặc quần áo đẹp hay đeo trang sức quý giá là đẹp. Đồ trang sức có giá trị không có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Ngược lại, nó còn dễ đem đến những rủi ro không đáng có. Với những trẻ từ 6 tuổi, nhận thức về cái đẹp của các cháu đang hình thành nên việc cha mẹ cho đeo trang sức có thể tác động đến thị hiếu thẩm mỹ của cháu sau này. Đó là chưa kể, nhiều cha mẹ còn cho con đeo trang sức giả với chất liệu bằng đồng, sắt… Những trang sức bằng sắt dễ bị gỉ và xỉn màu khi trẻ hoạt động ra mồ hôi hoặc đeo lâu ngày. Da của trẻ vốn rất nhạy cảm có thể dẫn đến viêm da với những chất gỉ sét. Ngay cả đồ trang sức bằng bạc vẫn có thể gây kích ứng da.

TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, tình thương yêu, dành nhiều sự quan tâm cho con trẻ là việc làm rất đáng trân trọng, nhưng tình hình tội phạm hiện nay đang diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh tốt nhất không nên đeo trang sức quý cho trẻ nhỏ, nhất là khi đưa các cháu đi trên đường hoặc đến những nơi tập trung đông người. Đồng thời, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con những kỹ năng tự bảo vệ mình khi gặp kẻ xấu, người lạ mặt, như hét to khi có người lạ đến gần với ý đồ xấu, không ăn thức ăn người lạ đưa cho, không tự ý lên xe của người lạ, tìm cách bỏ chạy khi có người lạ dẫn đi…

Điều đáng lo ngại nữa là nhiều trẻ sau khi bị cướp giật có nguy cơ sang chấn tâm lý, khủng hoảng tâm thần. Những vết thương đó có thể đi suốt cuộc đời nếu như trẻ bị dí dao vào cổ uy hiếp để cướp hoặc suýt chết, thậm chí là bị chặt bộ phận trên cơ thể… Trẻ có thể không ngủ được, khóc lóc trong giấc ngủ, ngủ mơ thấy lại những cảnh tượng đã xảy ra, khó tập trung chú ý, giảm khả năng học tập, căng thẳng…
Lúc này, cha mẹ cần dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi con hơn. Tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực để trẻ quên đi những hình ảnh cũ, tạo cho trẻ niềm tin vào cuộc sống.

8 sai lầm phổ biến của những cha mẹ trẻ khi nuôi con đầu lòng

Posted: 09 Sep 2013 01:00 AM PDT

Bác sĩ Cara Natterson, công tác tại Viện Hàn Lâm nhi khoa Mỹ, đúc kết 8 sai lầm phổ biến của những cha mẹ trẻ khi nuôi con đầu lòng như sau:

1. Đánh thức con trễ

Nhiều bà mẹ trẻ nghĩ rằng để con ngủ càng lâu càng tốt cho sức khỏe và trẻ sẽ bớt quấy khóc. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, nếu trẻ thức càng trễ sẽ dậy càng sớm và thức giấc mè nheo giữa đêm. Trẻ thường ngủ suốt đêm và dậy vào lúc 7h sáng. Một ngày, chúng ngủ khoảng 11-12 tiếng. Nếu cha mẹ không đánh thức trẻ sớm hơn 7h sáng mà để ngủ đến 8-9h thì tất cả những gì bạn nhận được là sự mệt mỏi. Buổi tối hôm sau bé sẽ ngủ không ngon nên thường thức dậy sớm và mè nheo trong khi cha mẹ đang ngủ.

2. Không dùng ngôn ngữ chuẩn để nói chuyện với trẻ

Nếu bạn nói chuyện với con theo kiểu "bi ba bi bô" thì trẻ sẽ hiểu ngầm rằng cha mẹ đang dùng ngôn ngữ nước ngoài để giao tiếp với mình. "Đứa trẻ sẽ cảm thấy chán nản khi phải học cách giao tiếp kiểu này. Mặt khác, nếu không sử dụng ngôn ngữ chuẩn khi nói chuyện với con trẻ ngay từ đầu tức là bạn đang bỏ lỡ cơ hội giáo dục và giao tiếp tích cực với con", bác sĩ Natterson nhận xét.

Cũng theo bác sĩ, khi trò chuyện, cha mẹ không nên lo lắng rằng trẻ không thể hiểu được tiếng mẹ đẻ. "Con trẻ không cần hiểu hết từ bạn nói, chúng chỉ cần nghe nhịp diệu và nhìn khẩu hình miệng của bạn là đủ rồi".

3. Cho ăn quá nhiều thực phẩm màu cam

Ăn nhiều loại củ quả có màu sẽ khiến da của trẻ có xu hướng đổi thành màu giống với loại thức ăn đó.

Ăn nhiều loại củ quả có màu sẽ khiến da của trẻ có xu hướng đổi thành màu giống với loại thức ăn đó.

Trong thành phần của các loại củ quả màu cam chứa lượng lớn beta caroten. Đây là tiền chất của vitamin A, giúp cơ thể phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A, mắt sáng, ngăn chặn mù lòa, làm lành mạnh hóa hệ miễn dịch. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm màu cam như khoai lang, cà rốt và bí đỏ có thể làm cho da bé chuyển thành màu giống với loại thức ăn đó.

Trường hợp cá biệt, nếu cơ thể hấp thụ vượt ngưỡng 200 mg beta caroten trong một ngày sẽ gây ra chứng tăng beta caroten, xuất hiện những điểm vàng ở da như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mu chân tay. Vì thế trong ăn uống, khi lựa chọn thực phẩm cần có chừng mực, tiêu thụ với lượng vừa đủ, và nên nhớ rằng “cái gì quá cũng không tốt”.

4. Không đánh răng cho trẻ

Việc đánh răng cho trẻ cần được thiết lập như một tiền lệ từ sớm. Vệ sinh răng miệng đúng cách ngoài tác dụng bảo vệ răng nướu, còn giúp tăng cường sức khỏe cho bé. Bác sĩ Natterson khuyến cáo nên đánh răng cho bé 2 lần trong ngày, bắt đầu ngay khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện.

5. Chờ đợi sự cố đến mới tìm biện pháp bảo vệ

Nhiều cha mẹ chủ quan theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, đợi đến khi con bị tai nạn mới tá hỏa tìm biện pháp khắc phục. Về điểm này, bác sĩ Natterson khuyến cáo: “Khi ngồi lên ôtô bạn nên cài dây toàn trước để phòng có tai nạn xảy ra". Tương tự việc trang bị những chiếc cửa an toàn và ổ cắm điện bảo vệ trong nhà, nó có thể làm cho quá trình sử dụng trở nên bất tiện hơn nhưng đó chính là chiếc “dây an toàn” bảo vệ con bạn.

“Có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn ngay trong ngôi nhà của bạn. Nếu cứ chờ đợi cho đến khi tai nạn xảy đến với con rồi mới tìm cách giải quyết thì đã quá muộn. Hãy suy nghĩ vấn đề này, cần hành động ngay để giảm thiểu nguy cơ về sau”, vị bác sĩ khuyên.

6. Đặt nhiều chăn gối vào nôi của bé

Những ông bố bà mẹ trẻ thường thích đặt vào nôi của con những gối, chăn, thú nhồi bông thật đẹp. Bác sĩ Natterson khuyên, không nên trang trí chiếc nôi quá cầu kỳ, càng không nên đặt nhiều vật dụng vào đó bởi những thứ này có thể gây nguy hiểm cho bé. “Trẻ sơ sinh có thể bị kẹt dưới một cái gối hoặc nghẹt thở khi bị cái chăn đè lên. Chiếc nôi hay xe đẩy nên là nơi an toàn cho bé hơn là nơi bày trí thời trang", bác sĩ Natterson nói.

7. Quên bôi kem chống nắng cho trẻ

Cũng giống như đánh răng, việc dùng kem chống nắng là thói quen tốt cho sức khỏe, cần được thực hiện sớm và thường xuyên. Bác sĩ Natterson cho biết, hơn 80% thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời xảy ra trong đời người là ở thuở ấu thơ. Một trong trong những nguy cơ gây ung thư da chính là tia có hại xuất phát từ ánh nắng mặt trời.

"Tôi thường khuyên các bậc cha mẹ nên để kem chống nắng ngay bên cạnh kem đánh răng. Như thế sẽ nhắc bạn nhớ rằng ngay khi đánh răng xong, không quên bôi kem chống nắng cho trẻ. Bạn đừng nghĩ rằng khi bế trẻ ra đường chỉ cần đội một chiếc mũ là đủ", bác sĩ Natterson, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của tổ chức Baby 2 Baby, nói.

8. Đưa trẻ đến nơi công cộng

Có thể bạn cảm thấy chán nản với việc bị “giam cầm” ở nhà với con trẻ. Vì thế bạn thường tranh thủ đưa con đi chơi ở nơi công cộng hay đi mua sắm để xả tress vào mỗi buổi chiều mát. Về điểm này, bác sĩ Natterson khuyên không nên đưa trẻ đến nơi công cộng vào giờ tan tầm. Đừng đưa trẻ đến trường khi bé chưa đến tuổi đi học. Hãy giữ bé tránh xa những đứa trẻ bị bệnh, đừng để một người đang bị sổ mũi đụng chạm đến bé.

Bạn nên nhớ rằng hệ thống miễn dịch của bé còn yếu, vì thế hãy luôn giữ đôi tay của mình sạch sẽ và cố gắng tránh xa đám đông. Thực ra con bạn cũng không thích những nơi xô bồ như thế. Chúng chỉ cần được ở nhà, nơi mà những nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ, vui chơi có thể được đáp ứng một cách dễ dàng.

Để các ông bố hiểu và thông cảm với vợ mình hơn

Posted: 09 Sep 2013 12:00 AM PDT

Đưa vợ con rời khỏi bệnh viện về nhà, hầu hết các ông bố cảm thấy thật phấn khích, họ mong đợi những ngày căn nhà tràn ngập tiếng cười trẻ thơ, còn vợ thì vẫn đáng yêu như ngày nào. Tuy nhiên hầu hết họ đều gặp phải sự thất vọng, ít nhiều dẫn đến mâu thuẫn trong hôn nhân, khiến cả hai vợ chồng đều căng thẳng và bực bội.

Để tránh khỏi tình trạng này, các ông bố hãy tham khảo những điều dưới đây về phụ nữ sau sinh để có thể hiểu và thông cảm hơn với vợ mình nhé!

1. Phụ nữ sau sinh rất tự ti về hình thức của mình

Trên thực tế, các chị em có nhiều cảm xúc lẫn lộn về hình thức của mình vào thời điểm này. Một mặt họ cảm thấy mình thật là vĩ đại và tuyệt vời khi đã vượt qua bao khó khăn để sinh ra một em bé. Mặt khác họ lại cảm thấy cơ thể mình thật rệu rã, mệt mỏi và khó chịu.

Thêm vào đó, cô ấy còn chẳng có đủ thời gian để đứng trước gương quá 2 phút và hầu hết mọi thứ quần áo của cô ấy đều bị chật, cô ấy cảm thấy mình thật sồ sề, xấu xí.

Đây là thời điểm bạn cần động viên cô ấy về vẻ bề ngoài, nói với cô ấy rằng em thật đẹp khi em cho con bú. Khi cô ấy đứng trước gương và rơm rớm nước mắt tủi thân vì tất cả quần áo đều không còn vừa nữa, hãy nói cho cô ấy biết những đặc điểm trên khuôn mặt, trên cơ thể cô ấy mà bạn thấy thật đẹp. Cô ấy cần được nghe những lời như vậy vào lúc này!

2. Phụ nữ sau sinh bị ám ảnh bởi em bé

Hãy giúp đỡ vợ chăm sóc con nhỏ

Hãy giúp đỡ vợ chăm sóc con nhỏ

Mọi thứ trong cuộc sống của cô ấy giờ đây đều xoay quay em bé, cô ấy sẽ liên tục chụp hình bé và nói về bé cả ngày không chán. Nhiều khi các ông bố cảm thấy như họ là người thứ ba, người thừa trong gia đình.

Điều này thật khó khăn, nhưng đó là một phần của gia đình và bạn hãy cùng cô ấy chăm sóc em bé thật tốt, cô ấy sẽ cảm thấy rất biết ơn sự giúp đỡ và chia sẻ của bạn.

3. Phụ nữ sau sinh cảm thấy bất an

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh là một trong những điều khiến các bà mẹ lo lắng nhất. Làm mẹ là trải nghiệm đầu tiên mà nhiều phụ nữ phải trải qua và học được một điều rằng: cuộc sống là như vậy và họ chỉ có cách duy nhất là chấp nhận.

Mọi thứ tồi tệ đều có thể xảy ra dù cô ấy đã cố gắng tới đâu đi nữa. Dù cô ấy đã tiệt trùng bình sữa thật cẩn thận, vẫn có lúc bé bị đau bụng, tiêu chảy… Cô ấy cảm thấy tội lỗi khi muốn ở bên bé CẢ ĐỜI và sau đó lại phải trả một số tiền không nhỏ để thuê người giúp đỡ chăm sóc bé.

Cô ấy sợ hãi bởi mọi thứ không thường như cô ấy mong đợi. Đừng nên chỉ trích cô ấy vì tính khí thất thường ở thời điểm này, bởi bạn sẽ chẳng thay đổi được gì.

Thay vì như vậy, hãy lắng nghe cô ấy nói, chia sẻ cảm xúc của cô ấy và nhắc cô ấy rằng bạn sẽ luôn ở bên cô ấy dù điều gì xảy ra. Đó là những gì cô ấy muốn nghe và cần được nghe vào lúc này.

4. Phụ nữ sau sinh dễ "xù lông nhím" hơn bao giờ hết

Có quá nhiều lời khuyên tới tấp dành cho một phụ nữ sau sinh. Mẹ cô ấy nghĩ cô ấy nên trở lại làm việc sớm. Mẹ chồng cô ấy lại nghĩ cô ấy nên ở nhà chăm con thêm một thời gian nữa. Bạn thân của cô ấy có con lớn hơn vài tháng và luôn đưa ra lời khuyên về mọi thứ trong việc chăm sóc bé. Chưa kể tới đống sách cô ấy đã đọc và những tài liệu cô ấy đã nghiên cứu trên internet.

Tất cả những lời khuyên này khiến bà mẹ trẻ trở nên dễ "xù lông nhím" hơn, cộng với việc cô ấy cảm thấy bất an, cô ấy sẽ lo rằng mình đang làm sai một điều gì đó. Hãy động viên cô ấy lắng nghe những linh cảm làm mẹ của mình. Rốt cuộc thì đứa con này là con của cô ấy và bạn chứ không phải ai khác!

5. Phụ nữ sau sinh dễ bực bội

Một cách logic, các bà mẹ biết lý do họ bị mất ngủ và nhà cửa thì chẳng còn mùi thơm dễ chịu là do em bé. Vậy mà họ chẳng thể nói ra được sự bực bội của mình với cục cưng đáng yêu, xinh xắn này.

Vậy là cô ấy trút sự bực dọc đó lên các ông bố trẻ vô tội – cứ như bạn đã đánh thức cô ấy lúc 2 giờ sáng để được cho ăn và thay tã vậy. Đây có thể chưa phải là lời khuyên hữu ích nhất, nhưng có lẽ đây là thời điểm tốt nhất để mua cho cô ấy một bao cát để giúp cô ấy xả stress, hơn là chỉ vào bé mà nói rằng những bực dọc mệt mỏi là do thằng cu con gây ra – điều đó sẽ chỉ làm hai bạn mâu thuẫn với nhau hơn mà thôi.

6. Phụ nữ sau sinh không biết mặc quần áo gì

Điều này cũng tương tự điều 1. Quần áo trước khi mang bầu thì không vừa. Đồ bầu thì vừa – nhưng ai mà muốn mặc đồ bầu vào lúc này nữa? Và cô ấy cũng không muốn mua quần áo mới bởi cô nghĩ rằng mình sẽ không mãi mãi dùng kích cỡ này. Hãy rủ cô ấy đi mua sắm một chuyến và nói rằng cô ấy thật xinh đẹp – đó là tất cả những gì bạn nên làm vào lúc này.

7. Phụ nữ sau sinh cần được bảo vệ

Nói chung mọi phụ nữ đều thích cảm giác được người đàn ông của mình che chắn, bảo vệ. Và điều này càng trở nên đặc biệt cần thiết đối với phụ nữ sau sinh.

Cô ấy không muốn tỏ ra bất lịch sự khi từ chối các cuộc tới thăm của những người họ hàng xa. Cô ấy không muốn bạn ở cơ quan cả ngày và rồi lại đi nhậu tiếp vào buổi tối. Cô ấy không muốn phải tranh cãi với mẹ chồng về việc vì sao không nên cho bé đi ăn rong.

Cô ấy muốn được bảo vệ. Cô ấy cần bạn tạo nên một rào chắn an toàn giữa cô ấy và thế giới bên ngoài. Hãy trở thành một người đàn ông đích thực bằng cách che chở cho cô ấy vào thời điểm nhạy cảm này nhé!

8. Phụ nữ sau sinh cần được nghỉ ngơi

Tạo điều kiện cho vợ nghỉ ngơi nhiều hơn

Tạo điều kiện cho vợ nghỉ ngơi nhiều hơn

Hầu hết mọi phụ nữ trước khi có con đều tin tưởng thực sự rằng họ có thể tự mình làm mọi việc, rằng những phụ nữ để nhà cửa bừa bãi và bé thì bị thức ăn dính khắp hai tay thật vụng về. Bởi vậy đến khi sinh con rồi, họ thường cố gắng quá sức để giữ mọi thứ sạch sẽ và gọn gàng như trước.

Điều này dẫn đến việc họ không có lấy một chút thời gian nào dành cho bản thân và không được nghỉ ngơi đầy đủ như họ cần phải thế. Hãy nói với vợ rằng bé đang ngủ và bạn đã dọn sạch bếp rồi, cô ấy hãy tranh thủ chợp mắt một chút hay ít nhất là hãy xem bộ phim hài tuyệt hay đang được chiếu trên tivi để thư giãn. Cô ấy sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn rất nhiều đấy!

9. Phụ nữ sau sinh vẫn rất yêu chồng

Cô ấy yêu cái việc được quan sát bạn từ một chàng trai vụng về trở thành một ông bố với những ngượng nghịu ban đầu. Cô ấy thích ngắm mãi đôi tai và cái mũi của bé vì nó thật giống bạn.
Nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng mỗi khi bạn chơi đùa với bé và yêu thương bé, đó chính là khi sợi dây gắn kết giữa bạn và cô ấy bền chặt hơn bao giờ hết. Bởi vậy bạn hãy cố gắng cùng cô ấy vượt qua những khó khăn của giai đoạn này để mọi sóng gió sẽ qua đi nhanh hơn nhé!

Trẻ hay lắc đầu là bị bệnh gì?

Posted: 08 Sep 2013 10:00 PM PDT

Độc giả quynh_mai viết: "Cua nhà em hiện nay đã 5 tháng tuổi. Dạo gần đây con bỗng nhiên rất thích lắc đầu, quay trái quay phải liên tục, em nhìn đến phát chóng mặt. Mới một hai hôm đầu thấy con lắc lắc thì hai vợ chồng vui lắm, còn trêu con là biết nhảy theo nhạc. Vậy nhưng hành động này lặp đi lặp lại liên tục thì em bắt đầu thấy lo. Tuy nhiên, quan sát thấy con vẫn ăn ngủ đều đặn bình thường nên chồng khuyên em chưa vội đi khám".

BS Lê Đình Hưng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, B.viện E, HN) cho biết: "Có thể là biểu hiện về viêm tai giữa kín đáo”.

Chưa dừng lại ở đó, mẹ chồng ở quê lên chơi, thấy cháu cứ thỉnh thoảng lại lắc đầu liên tục rồi lấy tay cào cào thì bà tỏ vẻ lo ngại lắm. Kéo tay bà mẹ này ra một góc và nói: “Thằng Cua hình như có dấu hiệu thần kinh. Còn không mau đưa nó đi khám xem thế nào".

Sau khi đăng tải ý kiến của độc giả này, một số comment của độc giả khác lại phán đoán thêm cháu bé bị thiếu canxi hoặc vấn đề về tai.

Đưa câu chuyện của cháu bé 5 tháng tuổi mà độc giả quynh_mai gửi thư mong được giải đáp, bác sĩ Lê Đình Hưng (Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện E, Hà Nội) cho biết: "Chưa đủ cơ sở để kết luận là trẻ đang bị mắc bệnh gì. Việc cần thiết là phải đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để kiểm tra và xác định cụ thể".

Chưa đủ kết luận trẻ hay lắc đầu là bị bệnh gì

Chưa đủ kết luận trẻ hay lắc đầu là bị bệnh gì

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hưng, với triệu chứng lắc đầu như thế có thể cháu bé gặp vấn đề về tai. "Có thể là biểu hiện về viêm tai giữa kín đáo mà trẻ con không nói được với bố mẹ nên có triệu chứng như vậy. Bố mẹ cần đưa cháu đi khám tai, mũi, họng", bác sĩ nhấn mạnh.

Với trẻ em, thường mắc phải viêm tai giữa, còn viêm tai ngoài sẽ khỏi sau vài ba ngày. Khi bị viêm tai giữa, ở giai đoạn sớm, nếu được điều trị có thể khỏi dứt điểm còn nếu để viêm mãn tính và tai hay bị chảy nước thì sẽ ảnh hưởng đến sức nghe kém. Và khi sức nghe kém sau này ảnh hưởng đến phát âm.

Như trong thư của độc giả có bày tỏ lo lắng về việc có thể đó là biểu hiện của bệnh về thần kinh, bác sĩ Hưng cho rằng: "Chưa đủ cơ sở để kết luận về thần kinh. Động kinh thì có thể không hẳn nhưng có thể là biểu hiện hưng phấn ở cơ quan thần kinh. Trước hết phải khám bác sĩ về tai để xác định, nếu tai bình thường thì kiểm tra ở chuyên khoa thần kinh nhi".

Về khả năng triệu chứng đó là biểu hiện thiếu canxi như một số bà mẹ khác comment, bác sĩ Lê Đình Hưng cho rằng: "Có thể đó là biểu hiện của thiếu canxi nhưng thường có triệu chứng kèm theo như kém ăn, có thể chân tay mềm, không lẫy theo đúng lứa tuổi, tóc bị rụng. Tuy nhiên, thiếu canxi sẽ không lắc liên tục mà khi ngủ hay ngọ nguậy".

Như vậy, chỉ với biểu hiện lắc đầu liên tục như độc giả nói chưa đủ cơ sở để kết luận là cháu bị bệnh gì. Phụ huynh cần đưa cháu đi khám ở cơ sở chuyên khoa nhi, để bác sĩ xác định đúng căn bệnh trẻ đang mắc phải.

0 Nhận xét