Mẹ Yêu Con ORG

Mẹ Yêu Con ORG


12 thắc mắc trong 12 tháng cho con bú

Posted: 02 Sep 2013 09:00 PM PDT

Cho con bú là một bản năng tự nhiên của người mẹ, nhưng không phải vì thế mà mẹ không cần học hỏi hay tìm hiểu về nó. Trái lại có rất nhiều kiến thức xung quanh vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ và những điều này có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm trong độ tuổi của bé yêu. Để giúp mẹ thành thục nhất có thể trong vấn đề này, xin giải đáp 12 câu hỏi cho 12 tháng mẹ cho bé "tu ti".

Tháng đầu tiên: Con ngậm ti thế này đã đúng?

Hướng dẫn trẻ sơ sinh ngậm ti mẹ đúng cách là điều không hề đơn giản và có vai trò hết sức quan trọng. Nếu ngậm ti không chuẩn trẻ có thể không bú đủ sữa và dễ dẫn đến những tổn thương ở đầu núm vú cho mẹ. Do đó, mẹ cần có sự chuẩn bị từ tư thế ngồi cho đến cách bế em bé rồi cách đưa đầu ti vào miệng trẻ một cách hợp lý:

- Mẹ chọn tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái nhất để người bé áp sát vào người mẹ.

- Kết hợp tay và gối (nếu cần) để đỡ em bé sao cho miệng em bé ngậm vừa khít núm vú.

- Nghiêng đầu em bé về phía bầu ngực một chút và nhẹ nhàng chạm núm vú vào môi trên của trẻ. Nếu cần thì vắt nhẹ nhàng một ít sữa để tác động vào môi trẻ.

- Khi miệng bé mở rộng, đưa núm vú sào sâu trong miệng trẻ bằng cách kéo trẻ lại gần bầu ngực hơn để trẻ ngậm được quầng vú ở mức tối đa.

Tháng thứ hai: Làm thế nào để biết em bé đã bú đủ sữa hay chưa?

Nếu bé lên cân đều tức là đã nhận đủ lượng sữa cần thiết

Nếu bé lên cân đều tức là đã nhận đủ lượng sữa cần thiết

Đây là một câu hỏi rất phổ biến đối với các bà mẹ cho con bú, bởi vì sữa trong bầu ngực mẹ không dễ dàng đong đếm như đựng trong một chiếc binhg và vì thế mẹ không biết trẻ đã bú bao nhiêu. Để đảm bảo mẹ đã cho trẻ bú đủ lượng cần thiết, cách chính xác nhất đó là theo dõi trọng lượng cơ thể trẻ trong một vài tuần đầu tiên. Ngoài ra, mẹ cũng có thể theo dõi việc tu ti của trẻ hàng ngày bằng cách đếm số lượt thay tã cho trẻ. Thông thường, đối với trẻ sơ sinh trong 1-2 tháng đầu, mỗi ngày trẻ sẽ tè ướt trong khoảng từ 6 đến 8 chiếc tã giấy và có 2 lần "ị thối". Nếu trẻ lên cân đều đặn và lượng nước tiểu và phân của trẻ không có gì bất thường thì có nghĩa là mẹ đã cho trẻ bú hợp lý.

Tháng thứ ba: Mẹ cần chuẩn bị gì để vẫn đảm bảo sữa cho trẻ bú trong thời gian đi làm trở lại?

Việc quay lại với công việc là điều không sớm thì muộn nhiều bà mẹ phải chuẩn bị. Trước hết, khi bắt đầu đi làm lại sau sinh mẹ cần nói rõ với đơn vị sử dụng lao động rằng mình nuôi con bằng sữa mẹ và cần được tạo điều kiện để có thêm thời gian và địa điểm dành cho việc vắt sữa cho con. Tiếp đến mẹ cần lên kế hoạch cụ thể để tập cho trẻ bú bình, và có những dụng cụ cũng như thời gian biểu cho việc vắt sữa, cấp đông và bảo quản sữa để em bé luôn có sữa mẹ để bú ngay cả khi không có mẹ ở bên cạnh.

Tháng thứ tư: Nếu mẹ muốn uống một chút đồ có cồn thì liều lượng và thời gian uống như thế nào là hợp lý để trẻ bú mẹ không bị ảnh hưởng?

Nhìn chung, trong thời gian cho con bú, mẹ vẫn có thể uống chất có cồn nhưng với một lượng nhỏ: với bia là khoảng 240ml, với rượu vang là khoảng 180 ml và phải sau ít nhất là 2-3 giờ mới được cho trẻ bú.

Tháng thứ năm: Có phải trẻ bú mẹ thường khó ngủ qua đêm hơn trẻ uống sữa công thức?

Nhận định này có một phần đúng, vì nó xuất phát từ nguyên nhân sữa mẹ được tiêu hóa nhanh hơn so với sữa công thức, do đó trẻ bú mẹ dề bị thức giấc để đòi ti hơn là trẻ uống sữa công thức. Tuy nhiên, việc trẻ bú sữa mẹ hay sữa công thức không ảnh hưởng quá nhiều đến việc ngủ qua đêm của trẻ. Bởi vì nhịp sinh học của mỗi trẻ là khác nhau và đối với trẻ sơ sinh ở thời điểm này thì giấc ngủ qua đêm của trẻ chỉ là khoảng 5 đến 6 giờ chứ không phải là 8 đến 9 giờ được. Và thường các em bé sẽ bắt đầu bỏ thói quen thức đêm khi trẻ đã sẵn sàng chứ không phải vì trẻ bú mẹ hay uống sữa công thức.

Tháng thứ sáu: Nên bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm như thế nào?

Trẻ 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất đối với trẻ, tuy nhiên, mẹ nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm. Đầu tiên, nên cho trẻ làm quen vài lần với một vài miếng nhỏ bột gạo hoặc bột ngũ cốc dinh dưỡng. Dần dần, mẹ có thể chế biến thêm rau xay nhuyễn hoặc nước rau, tiếp đến là thịt. Lưu ý là bé cần thời gian khoảng 3-5 ngày trước khi mẹ giới thiệu một loại thực phẩm mới cho trẻ và cần đi từ một lượng nhỏ trước.

Tháng thứ bảy: Đang cho con bú có dùng thuốc tránh thai được không?

Mẹ có thể dùng thuốc tránh thai kể từ tuần thứ bảy sau sinh trở đi với điều kiện loại thuốc tránh thai mà mẹ uống chỉ có chứa hoạt chất progestin mà không có thành phần estrogen vì estrogen có khả năng làm giảm lượng tiết sữa của bà mẹ cho con bú.

Tháng thứ tám: Nguyên nhân dẫn đến tắc tuyến sữa và cách xử lý?

Đến thời điểm này, nhiều trẻ có xu hướng lười bú mẹ hơn vì đã có thức ăn dặm thay thế. Nếu lượng sữa tiết ra không được hút ra đều đặn và thường xuyên thì dễ dẫn đến hiện tượng tắc tuyến sữa. Cách đơn giản để điều trị cương sữa đó là dùng biện pháp chườm nóng bằng một chiếc khăn ấm, uống nhiều nước và nếu trẻ không bú mẹ thì nên dùng đến dụng cụ hút sữa. Nếu cương sữa dẫn đến sốt hoặc các triệu chứng khác thì mẹ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa vì rất có thể mẹ đã bị viêm tuyến vú hoặc bị nhiễm trùng do tắc tuyến sữa lâu ngày gây ra.

Tháng thứ chín: Làm thế nào để trẻ ngừng cắn ti mẹ?

Khi mọc răng, trẻ sẽ rất thích nhằn cắn ti mẹ

Khi mọc răng, trẻ sẽ rất thích nhằn cắn ti mẹ

Khi trẻ đã có những chiếc răng ngà xinh xắn thì việc đôi khi bé dành cho mẹ những cái nghiến vào đầu ti thì không dễ chịu chút nào. Mỗi lần bị bé cắn, mẹ cần nói thành tiếng: "Không cắn mẹ!" và rút vú ra khỏi miệng trẻ. Thông thường, trẻ sẽ cắn mẹ vào thời điểm cuối bữa ăn khi trẻ đã lửng dạ. Vì vậy, khi cảm thấy trẻ đã ti đủ thì mẹ nên cho trẻ thôi bú.

Tháng thứ mười: Trẻ không còn quan tâm đến ti mẹ nữa – điều đó có bình thường không?

Điều này là hoàn toàn bình thường với độ tuổi này của trẻ. Đây là thời gian bé tập trung vào việc tò mò khám phá thế giới hơn là việc chăm chú vào bầu ngực của mẹ. Trẻ có thể dễ dàng bị phân tâm bởi tiếng ồn và ngay lập tức rời miệng khỏi ti để ngoái ra ngó nghiêng. Điều này có thể khiến mẹ cảm thấy khó chịu, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là thời gian thích hợp để cai sữa cho trẻ vì thế hãy cố gắng để vượt qua nó.

Tháng thứ mười một: Khi trẻ đã ăn dặm tốt thì nên cho trẻ bú một ngày mấy lần?

Câu trả lời là khoảng bốn lần. Trẻ ở độ tuổi này nên bú khoảng 16 đến 20 ounces sữa mẹ một ngày bởi vào thời gian cuối của năm đầu tiên thì một nửa lượng calo trẻ cần nhận được vẫn nên từ sữa mẹ.

Tháng thứ mười hai: Nếu chưa sẵn sàng cai sữa, có nên tiếp tục cho con bú?

Các mẹ có biết điều tuyệt vời nhất đối với sức khỏe của trẻ là sữa mẹ. Có thể em bé của mẹ đã một năm tuổi nhưng điều đó không có nghĩa là bé không cần đến sữa mẹ nữa. Sữa mẹ sẽ không chỉ giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật mà nó còn giúp trẻ nhanh chóng bình phục khi không may mắc bệnh. Do đó, nếu không có lý do gì quá lớn để phải cai sữa cho trẻ sớm thì mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú bởi đó là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với trẻ!

Hầu hết mẹ Việt luôn thích con tròn, mũm mĩm…

Posted: 02 Sep 2013 08:10 PM PDT

Quan niệm “thích con tròn mũm mĩm” của mẹ Việt khiến nhiều trẻ bị béo phì mà trẻ con muốn giảm cân thì rất “gian nan”.

Hầu hết mẹ Việt từ xưa đến nay luôn có quan niệm thích con tròn, mũm mĩm. Thêm vào đó, cân nặng của con dường như lại chính là thước đo duy nhất để mọi người đánh giá độ chăm con mát tay của mẹ. Chính vì vậy, nhiều chị em thường làm mọi cách để giúp con “ăn nhiều chóng lớn” hoặc nuông chiều theo sở thích ăn uống của con với các món gà rán, nước ngọt có ga hay váng sữa….

Nếu như các chị em có con “còi dí còi dị" đau đầu để xem làm thế nào cho bé chịu ăn, ăn nhanh và hấp thụ tốt thì các mẹ có con nặng vượt chuẩn có lẽ càng nên lo lắng. Việc giảm cân là một quá trình vô cùng “khắc nghiệt” ngay cả với người lớn chứ đừng nói tới bắt trẻ con phải “nhịn mồm nhịn miệng" trước món ăn trẻ yêu thích. Khảo sát mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy tình trạng trẻ em béo phì có xu hướng tăng tại Hà Nội và TP HCM. Một vài nơi ở các đô thị lớn, tỷ lệ trẻ béo lên đến 29%, nghĩa là cứ 3 em nhỏ thì có một bé thừa cân. Để nhận biết trẻ có bị béo phì hay không, cha mẹ có thể xem bảng Đánh giá chiều cao – cân nặng từng lứa tuổi của Tổ chức Y tế thế giới.

Bắt bé ăn kiêng và tập thể dục thật nhiều không phải là một phương pháp khoa học an toàn và hiệu quả nhất. Nếu mẹ cứ nói liên tục với bé rằng bé đang quá béo mà bắt buộc phải ăn kiêng theo chế độ mẹ đặt ra sẽ chỉ càng khiến bé thêm tự ti và mất cân bằng với cuộc sống. Chị em nên ngay lập tức thiết lập những thói quen sau khi thấy con mình có dấu hiệu thừa cân:

Đừng để bé chọn thực đơn

Đừng để bé chọn thực đơn

Thói quen 1: Đừng để bé chọn thực đơn

Quả là tai hại cho sức khỏe của cả gia đình khi mẹ để sở thích của một đứa trẻ chỉ huy toàn bộ chế độ ăn uống của cả nhà. Nếu làm vậy sẽ có nhiều khả năng nửa đêm mẹ phải dậy để rán xúc xích cho bé hay nướng bánh mỳ bơ đường theo mè nheo của con.

Nếu mẹ chủ động nấu một bữa ăn lành mạnh chỉ toàn rau, củ, quả bổ ích, trái cây ngũ cốc nguyên hạt hay chỉ có thịt nạc thôi, có thể bé sẽ không thích và không cảm thấy có hứng thú. Nhưng bữa ăn đã được dọn lên và ngoài những thứ có trên mâm sẽ không còn món nào khác cho bé ăn cả. Mẹ hãy cố gắng giải thích rõ ràng điều đó cho bé hiểu. Các cuộc nghiên cứu cho thấy trẻ con có hứng thứ với đồ ăn, chỉ cần bày ra trước mắt bé sẽ hào hứng thử nó. Mẹ hãy cung cấp cho con những bữa ăn dồi dào vitamin thay vì các món béo ngậy theo yêu cầu của trẻ.

Thói quen 2: Tìm cách giảm bớt thời gian xem Tivi

Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ rõ ra mối liên kết chặt chẽ giữa việc xem truyền hình với bệnh béo phì ở trẻ nhỏ và các chuyên gia cũng đã khẳng định việc giảm thời lượng xem Tivi có ý nghĩa rất lớn. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo cha mẹ không cho trẻ xem Tivi quá 2 giờ mỗi ngày với trẻ từ 2 tuổi trở lên. Dưới 2 tuổi tốt nhất không nên xem bất cứ một chương trình truyền hình nào.

Và tất nhiên cách tốt nhất để hạn chế thời gian xem tivi của con là chính cha mẹ cũng chủ động giảm hẳn thời lượng ngồi trước máy vô tuyến của mình.

Để tạo được thói quen tốt cho trẻ, mẹ không nên khuyến khích cho con xem tivi sau giờ ăn hay sau giờ học, thay vào đó hãy tạo cho trẻ những hoạt động thể chất bổ ích và lành mạnh hơn, như nhảy và hát theo bài hát yêu thích, đi xe đạp vòng quanh khu phố hay giúp mẹ làm sữa chua.

Thói quen 3: Đừng cố gắng kiểm soát bé ăn từng li từng tí

Không một cha mẹ nào muốn cấm đoán con ăn uống cả. Không ai nỡ hất tay bé ra khỏi đĩa gà rán bé thích hay rít lên khi bé lỡ ăn một miếng socola béo ngậy. Đó chỉ là cách quản lý từng li từng tí một khiến bé thêm đau khổ mà thôi.

Thay vào đó, con đường dễ dàng nhất để nuôi dưỡng một gia đình khỏe mạnh là loại bỏ nguồn cơn của mọi cuộc xung đột. Mẹ hãy thay thế các món chiên rán đầy dầu mỡ bằng bát hoa quả đủ hương vị. Mẹ là người chủ động mua sắm, mẹ là người kiểm soát thực phẩm chính trong gia đình.

Khi đi chợ, thay vì mua bim bim và bánh kẹo mẹ có thể mua các mặt hàng khác lành mạnh hơn như các đồ ăn ít chất béo, thay vì các loại nước uông có ga, soda có đường là các loại nước trái cây nguyên chất 100%. Mẹ hãy chỉ mua những đồ ăn mà mẹ muốn con ăn. Điều này sẽ tăng cường sức khỏe cho gia đình chị em sẽ không phải lo lắng quá nhiều về chuyện ăn vặt của con nữa.

Thói quen 4: Khiến giấc ngủ trở nên quan trọng hơn

Các nghiên cứu cho thấy sự thiếu ngủ có liên quan nhiều đến việc tăng cân. Khi bé ngủ không đủ giấc, những thay đổi trong kích thích tố và chuyển hóa chất làm tăng nguy cơ béo phì.

Cách tốt nhất để nuôi dạy trẻ em khỏe mạnh là hãy tạo cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ quy định kể cả những ngày cuối tuần. Không nên có những ngoại lệ cho thứ bảy và chủ nhật vì sáng thứ hai bé sẽ rất khó để dậy sớm. Mẹ hãy giúp trẻ có được giấc ngủ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn bằng cách loại bỏ mọi phiền nhiễu xung quanh bé bao gồm tivi, điện thoại di động và máy tính. Giúp con hiểu ngủ đủ giấc sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bé và cung cấp thêm nguồn năng lượng của một ngày mới cho trẻ.

Thói quen 5: Kiên trì với kế hoạch dinh dưỡng lành mạnh

Cách quan trọng nhất để giúp cho bé và gia đình có một chế độ sinh hoạt lành mạnh và bổ ích là kiên trì với kế hoạch đã đề ra. Chị em hãy tham khảo tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em thường xuyên để đảm bảo các kế hoạch của mình đang được tuân theo một cách khoa học và hữu hiệu nhất. Nếu sau một vài tháng bé không có dấu hiệu khả quan, mẹ hãy xin tư vấn để thay đổi lại chế độ và kế hoạch của mình theo hướng tích cực hơn. Nhưng quan trọng nhất mẹ phải luôn giữ chính kiến và quyết tâm trong kế hoạch của mình dành cho gia đình. Chỉ cần trẻ cảm thấy một chút do dự hay thay đổi của mẹ sẽ dẫn đến bé có khả năng tranh luận và đẩy lùi quyết tâm của mẹ ngay. „Không mua coca là không mua", chứ đừng chần chừ để bé có thể nằn nì thuyết phục. Nếu mẹ nghiêm khắc và cương quyết bé sẽ chấp nhận được nguyên tắc mẹ đặt ra trong thời gian dài.

Để trẻ em phát triển khỏe mạnh và toàn diện rất cần sự sát sao và chăm sóc của người thân trong gia đình. Cha mẹ hãy là tấm gương và động lực để bé yêu phấn đấu.

0 Nhận xét