Mẹ Yêu Con ORG

Mẹ Yêu Con ORG


Khi bé bắt đầu quan tâm đến đồ ăn bốc …

Posted: 12 Sep 2013 07:00 PM PDT

Cứ thấy mẹ chuẩn bị đưa thìa bột vào miệng là bé Titô rướn người lên, khóc ngằn ngặt…

Bé Titô được 5 tháng, chị Quỳnh tập cho con ăn dặm. Ban đầu, Titô rất thích bột ngọt nên việc cho con ăn với chị rất nhàn. Mỗi bữa, chị chỉ cần bón một loáng là con đã ăn xong, có khi bé nuốt nhanh đến mức mẹ đút bột không kịp.

Chưa kịp mừng thì chị Quỳnh lại stress nặng. Titô được 7 tháng nhưng 5 ngày gần đây, chị không thấy con hào hứng với bột nữa. Cứ thấy mẹ chuẩn bị đưa thìa bột lại gần là bé rướn người lên, khóc ngằn ngặt. Nếu có há miệng, bé cũng chỉ ngậm bột trong mồm rồi hờn "i ỉ" thay vì nuốt ực rất nhanh như trước đây.

Nghĩ con "chê" bột ngọt, chị Quỳnh chịu khó đổi món bột mặn với thịt bò, thịt gà… Sữa bé cũng lười uống. Sữa chua chỉ ăn 1-2 thìa là bé khóc rồi không chịu ăn nữa. Mỗi lần nghĩ đến chuyện ăn của con, chị căng thẳng vô cùng. Chị Quỳnh thấy Titô không có biểu hiện ốm, sốt hay bệnh nên còn chần chừ đưa con đi khám.

Chị Hân (nhân viên văn phòng cho một công ty du lịch ở Hà Nội) có cu Bo hơn 7 tháng tuổi và có 2 răng cửa dưới mới nhú. Dạo này, chị rất căng thẳng vì con lười ăn. Lúc trước, Bo ăn rất ngoan, chỉ nằm yên trong vòng tay bà cho mẹ tha hồ đút bột. Cả nhà ai cũng khen "trộm vía, ngoan quá" dù cân nặng của Bo vừa đủ chuẩn. Thế mà cả tuần nay, Bo không chịu ăn bột; sữa cũng lười uống, cả ngày được vài gạt sữa mà lần nào cũng bú không hết. Có hôm, chị Hân để đến tận 12h30 trưa cho con thật đói mới đút bột. Thế mà Bo cũng cương quyết không ăn.

boc

Khác với chị Hân và chị Quỳnh, chị Liên (một người mẹ từng có con lười ăn lúc 7-8 tháng tuổi) cho biết, lúc trước cô cũng thế. Bé Vy nhà chị thấy mẹ chuẩn bị xúc bột là giãy nảy lên, miệng ngậm chặt lại và quay đầu ra chỗ khác. Đang loay hoay định nghỉ việc đưa con đi khám thì bé Vy lại ham ăn trở lại làm mẹ phấn khởi "hết lời".

Sau đó, chị đúc kết kinh nghiệm lười ăn ở bé nhà mình là do mọc răng nên lười ăn (nuốt vào khiến lợi bị đau). Thứ hai, bé Vy khi nhú răng lên là bắt đầu ghét bột. Bé có thể nhai vài hạt cơm nát hay một sợi mỳ. Bánh gạo, bánh quy bé nhai "rau ráu" nhưng bột thì nhất định "chê". Từ đó, chuyển cho con sang ăn cháo ninh nhừ. Ban đầu, chị cho xay cháo thành lợn cợn. Sau thì ninh cháo loãng rồi chuyển thành đặc cho con ăn.

Giai đoạn bé bắt đầu thích thức ăn lợn cợn

7-8 tháng tuổi là thời điểm bé bắt đầu thích đồ ăn lổn nhổn cũng như ăn bốc. Những đồ ăn tốt cho bé giai đoạn này: phômai, mỳ ống, ruột bánh mỳ xắt nhỏ dạng hạt lựu; lòng đỏ trứng luộc xắt hình hạt lựu; thịt và cá không xương… Vì thế, nhiều bé không còn hứng thú với độ mịn của bột mà thích thức ăn cứng vì được nhai dù bé chỉ có một ít răng.

Nếu bé lười ăn bột ở giai đoạn này, cha mẹ không nên quá lo lắng. Bởi vì phần lớn các bé 7-8 tháng đã ăn được thực phẩm có kết cấu lổn nhổn. Học nhai ở thời điểm này đặc biệt cần thiết vì nó giúp cơ hàm và răng lợi chắc khỏe. Cũng như rất có lợi cho quá trình học ăn – học nói về sau này của bé. Thay vì nghiền mịn đồ ăn, chỉ nên xay qua và thêm sữa hoặc nước vào đó để làm đặc hay loãng đồ ăn dặm, tùy ý.

Khi bé ngán bột, hãy thử chuyển sang cho bé ăn cháo hạt ninh nhừ, loại bỏ phần cái đặc. Cho bé 7-8 tháng ăn cháo được nấu chín rồi cho vào máy xay thì cũng mềm như bột nấu chín, không hại dạ dày cho bé. Đổi món cho bé với soup cũng là một gợi ý hay.

Bé 7-8 tháng cũng rất quan tâm đến đồ ăn bốc hay những món có trong bát của mẹ, chứ không phải bát của bé. Vì thế, cha mẹ nên là người hiểu rõ sở thích ăn uống của con nhất. Nếu bé thích bốc, có thể cùng bé ăn rau củ nấu chín, xắt hạt lựu, mỳ cắt ngắn không bị rối vào nhau thành một mớ để tránh hóc nghẹn cho con… Có thể đổi bữa cho bé ăn mỳ vào bữa sáng thay vì lúc nào cũng bắt bé ăn cháo. Nhưng nên chế biến món mỳ thành món bổ dưỡng với rau, thịt để bé ngon miệng và đủ năng lượng phát triển.
Qua một vài hôm bé có thể ăn tốt trở lại. Nếu không, các mẹ hẵng đưa con đi khám bác sĩ dinh dưỡng.

Tự tay cắt dây rốn cho con với tôi thật tuyệt vời

Posted: 12 Sep 2013 02:00 AM PDT

Vào phòng sinh cùng vợ, ngắm giây phút con yêu chào đời, tự tay cắt dây rốn cho con với tôi thật tuyệt vời.

Vợ chồng tôi đã có thời gian sinh sống và làm việc ở bên Nga nên có khá nhiều bạn bè quốc tế. Bạn bè của chúng tôi cũng hầu hết đã đến tuổi lên chức bố mẹ. Chứng kiến nhiều cặp đôi đưa nhau đi đẻ ở bên này thích lắm. Lúc nào vợ đẻ cũng có chồng bên cạnh, được tự tay cắt dây rốn cho con khiến tôi cũng ao ước một ngày được làm cái việc thiêng liêng ấy khi đón con chào đời. 1 năm sau khi về nước, vợ tôi có bầu. Đó là niềm hạnh phúc mà không có từ ngữ nào diễn tả hết sau 5 năm kế hoạch. Ngay từ tháng thứ 3 thai kỳ chúng tôi đã đăng ký khám thai trọn gói tại một bệnh viện quốc tế ở Hà Nội. Thật may là trong gói khám thai này cho phép người thân cùng có mặt khi sản phụ lên bàn đẻ và chẳng ngần ngại tôi đã quyết định sẽ một lần tận mắt xem vợ đẻ, ngắm con yêu chào đời cho bõ ao ước từ lâu.

Tuy nhiên, vì đã xác định sẽ vào phòng sinh cùng vợ nên tôi phải chuẩn bị hành trang chu đáo ngay từ những ngày vợ mới mang thai. Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi chồng vào phòng đẻ cùng vợ, tôi cũng đã bị rất nhiều người thân, bạn bè "bàn lùi" không nên xem vợ đẻ vì sợ ảnh hưởng đến nàng và cũng ảnh hưởng tâm lý chính mình. Nhưng tôi vẫn giữ vững quan điểm của mình và thú thật tôi đã có những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời khi tận mắt ngắm con yêu chào đời. Các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm đi đẻ cùng vợ của tôi để sẵn sàng ‘vượt cạn’ cùng vợ nhé!

Trước khi mang thai…

Khâu chuẩn bị thời gian này là vô cùng quan trọng các ‘đấng mày râu’ nhé để chúng ta có những hiểu biết nhất định về thai kỳ cũng như việc sinh nở. Từ ngày vợ mang bầu, dù rất bận rộn nhưng tôi luôn cố gắng dành thời gian để đưa nàng đi khám thai. Mỗi lần nghe thấy nhịp tim con là tim tôi cũng đập rộn ràng. Rồi từ tuần 12 thai kỳ, được tận mắt nhìn thấy những bộ phận bé xíu trên cơ thể con tôi bỗng "nghiện" con. Cứ 2-3 tuần một lần hai vợ chồng lại đi khám thai, siêu âm để được ngắm con yêu. Phải công nhận qua mỗi tuần thai lại thấy mình thêm gắn kết với con nhiều hơn.

Cũng kể từ ngày vợ mang bầu, tôi dành thời gian để ở nhà, ở bên vợ con nhiều hơn. Những thú vui riêng như chơi game cùng đồng nghiệp sau giờ làm hay đi xem bóng đá cũng giảm dần, thay vào đó là giây phút thư giãn nghe nhịp tim con, ngắm con chuyển động trong bụng vợ. Vợ tôi cũng rất khéo gắn kết sợi dây tình cảm vô hình giữa cha – con tôi. Cứ mỗi lần con đang ‘quậy’ trong bụng là cô ấy nắm vội tay tôi để đặt lên bụng bất kể lúc nào, có khi cả đêm khuya để tôi có thể cảm nhận được sức sống đang lớn từng ngày của con. Nàng cũng thường xuyên mua sách báo về thai kỳ, khuyên tôi đọc nhiều để hiểu hơn về sự phát triển của con, tâm lý mẹ bầu và cách chăm trẻ sơ sinh. Sau 9 tháng vợ mang bầu tôi cũng có kho kiến thức kha khá về vấn đề này đấy. Tôi còn đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc bé sau sinh vì vậy mà tôi cũng mong con chào đời chẳng kém vợ đâu.

Tôi không ngần ngại tham gia ca sinh nở cùng vợ.

Tôi không ngần ngại tham gia ca sinh nở cùng vợ.

Còn một việc nữa cũng vô cùng quan trọng trong giai đoạn vợ mang bầu là tham gia lớp học tiền sản. Mỗi giai đoạn thai kỳ, vợ chồng tôi tham gia một buổi học khoảng 1-2 ngày. Những lớp học này hữu ích lắm nhé. Tại đây các chuyên gia sẽ hướng dẫn tỉ mẩn cho bà bầu cách ăn uống trong thai kỳ, tập thể thao thế nào, tăng cân thế nào cho chuẩn. Với riêng tôi, vì có nhu cầu vào phòng đẻ cùng vợ nên được tham gia một lớp tiền sản riêng để được hướng dẫn chi tiết cách hỗ trợ vợ khi đau đẻ, cách động viên vợ, cách phối hợp với bác sĩ và cách chăm sóc trẻ sau sinh. Vợ tôi cũng được hướng dẫn cách rặn thở khi đẻ vì vậy mà cô ấy rất tự tin khi đi sinh nở. Hiện nay, ở các bệnh viện sản lớn đều tổ chức lớp học tiền sản miễn phí, vì vậy tôi khuyên chân thành các cặp đôi nên bớt chút thời gian để tham gia.

Trong quá trình vợ "vượt cạn"…

Khoảnh khắc xem vợ đẻ, đón con chào đời là kỷ niệm không bao giờ tôi quên. Tôi nhớ như in sáng hôm đó tôi đang ở cơ quan thì nghe điện vợ báo bị đau bụng. Vì cơ quan cách nhà chỉ hơn 1km nên không đầy 15 phút sau tôi có mặt tại nhà. Vì là lần đầu sinh nở nên vợ chồng tôi lóng ngóng lắm. Cũng may chúng tôi ở cùng bố mẹ nên bớt lo lắng. Mẹ tôi bảo cứ khoan thai đợi cơn đau dày hơn rồi hãy vào viện vì đôi khi đó chỉ là những cơn đau giả. Vậy là vợ tôi có thời gian để tắm rửa, gội đầu sạch sẽ. Đầu giờ chiều, hai vợ chồng và mẹ tôi có mặt tại bệnh viện. Lúc này cổ tử cung của vợ đã mở được 3cm, những cơn đau đẻ bắt đầu dày hơn. Vì đăng ký dịch vụ trọn gói nên chúng tôi được ở 1 phòng riêng. Suốt buổi chiều hôm đó, nhìn vợ vật vã trong cơn đau đẻ, tôi thấy sốt ruột lắm. Đến 8 giờ tối, cổ tử cung mở được 8 phân, vợ được đưa lên bàn đẻ. Cùng lúc đó tôi cũng được phát bộ quần áo vô trùng để vào sẵn sàng có mặt bên vợ.

Trước khi bước vào phòng đẻ, mẹ tôi còn dặn đi dặn lại là phải thật sự bình tĩnh, không để ảnh hưởng đến vợ và các bác sĩ. Cái này tôi cũng đã được học rồi nhưng không biết khi nhìn vợ đau đẻ có giữ được bình tĩnh không nữa. Tôi được bác sĩ yêu cầu ngồi trên một chiếc ghế nhỏ ngay cạnh vợ và nói chuyện với nàng. Dường như những cơn co thắt cứ bắt nàng phải rặn nhưng bác sĩ chưa cho phép rặn vì cổ tử cung chưa mở hoàn toàn. Lúc này những cơn đau đẻ dồn dập kéo đến khiến vợ tôi cứ hét toáng lên. Nhiệm vụ của tôi lúc này là phải khéo léo khuyên bảo và kể chuyện cười để nàng quên đi cơn đau. Mà việc này phải rất khéo léo các anh chồng nhé, nếu không sẽ bị nàng mắng luôn đấy.

Khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn, bác sĩ hô bắt đầu rặn, bạn hãy nắm chặt tay vợ và rặn cùng nàng. Khi yêu cầu rặn kết thúc, hãy nhắc nhở nàng hít thở đều (nhớ phải thở ra bằng miệng và hít vào bằng mũi) để có sức cho cơn rặn đẻ tiếp theo. Cũng may mắn là vợ tôi sinh không khó lắm. Từ lúc vào phòng sinh cùng vợ đến khi con "oe oe" chào đời khoảng hơn 1 giờ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để nhắc nhở vợ những việc cần làm, như thế sẽ giúp nàng tập trung vào rặn đẻ và ca sinh nở diễn ra nhẹ nhàng hơn.

Giây phút được ngắm con chào đời mới tuyệt vời làm sao. Ban đầu là chiếc đầu lộ ra rồi rất nhanh chóng cả vai và thân ra theo. Khi cầm kéo tự tay cắt dây rốn chon con tôi còn run run vì xúc động. Khoảnh khắc này tôi sẽ nhớ mãi…

Kinh nghiệm đúc rút ra từ bản thân của tôi là khi vào phòng sinh cùng vợ hãy tập trung làm trọn bổn phận của mình. Chúng ta có mặt trong quá trình vợ lâm bồn chủ yếu là để động viên tinh thần nàng, vì vậy bạn hãy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình bằng những câu chuyện cười, nhũng lời nói yêu thương và những hành động tình cảm để nàng quên đi cơn đau. Ngoài ra, khi bác sĩ yêu cầu hộ trợ ekip giúp nàng rặn đẻ hoặc làm việc gì đó thì phải tuyệt đối thực hiện đúng theo hướng dẫn.

Theo tôi, việc có mặt trong phòng sinh nở là trải nghiệm rất tuyệt vời. Chỉ cần bạn có chút kiến thức về thai kỳ, giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của bác sĩ thì bạn sẽ là nguồn động lực tuyệt vời cho nàng trong giờ phút vượt cạn đầy gian nan. Không chỉ có thế, món quà tuyệt vời dành cho bạn là được tận mắt chứng kiến con yêu chào đời từ trong lòng mẹ – còn gì hạnh phúc hơn phải không nào?

0 Nhận xét