Cùng bé làm đèn lồng đón tết Trung thu

Cùng bé làm đèn lồng đón tết Trung thu


Cùng bé làm đèn lồng đón tết Trung thu

Posted: 15 Sep 2013 03:00 AM PDT

Mách mẹ cách hướng dẫn bé yêu làm đèn lồng rước đêm Trung Thu cực đẹp và vô cùng đơn giản.

Chỉ còn vài ngày nữa là trung thu đã đến rồi. Chiều qua vừa đón Mun ở cổng trường mẫu giáo, cô nàng chạy ngay ra ôm chân mẹ rồi nói: “Mẹ ơi, cô dặn mỗi bạn mang một món đồ thủ công tự làm đến để trang trí lớp, cùng phá cỗ trung thu mẹ ạ”.

Vì là lần đầu tiên được phá cỗ trung thu cùng các bạn lớp mẫu giáo nên Mun háo hức lắm. Cứ nghĩ đi nghĩ lại xem nên làm cái j. Sau một hồi suy tính, em quyết định cùng Mun làm một chiếc đèn lồng giấy thật đẹp để trang trí lớp học. Cách làm đèn lồng giấy này em được ông ngoại Mun dạy cho từ khi còn là cô nhóc bé lũn chũn ngày nào. Mun nhà ta thì tỏ ra hí hửng lắm vì được “chơi” với giấy màu, bút thước.

Xin mách các mẹ “thành quả” của hai mẹ con nhà em. Làm đèn lồng giấy rất đơn giản, lại giúp con vừa chơi, vừa học cách làm đồ thủ công, khéo tay. Nếu có thời gian, mẹ hãy cùng bé yêu thử làm xem sao.

Nguyên liệu:

1 tờ giấy to để làm đèn lồng. Mẹ có thể chọn mua giấy bọc quà nhiều màu sắc, họa tiết đẹp.

1 tấm bìa cứng

1 cuộn dây thép mềm

Bút chì, thước kẻ, kéo, hồ dính, băng dính

Cách làm

Bước 1: Lấp 1 tờ giấy to, gấp lần lượt các nếp zik zak bằng nhau, mỗi nếp khoảng 1 đốt ngón tay.

Tiếp tục gập dọc theo hình (3), mỗi nếp gấp cũng bằng 1 đốt ngón tay. Khi mở ra, ta sẽ được hình (4).

dtt1

Bước 2: Gấp một mép tờ giấy để làm viền rồi cuộn tròn lại thành hình ống.

dtt2

Bước 3: Lấy 1 tờ bìa cứng, cắt một hình tròn to sao cho vừa với đáy ống lồng đèn.

Dùng hồ nước hoặc keo cố định phần đáy lồng đèn.

Phần giấy còn lại cắt hình tròn nhưng khoét giữa để dán phía nắp trên của lồng đèn (hình 4)

dtt3

Bước 4: Mở hết phần giấy gấp là ta đã có một khuôn lồng đèn hình trụ rất đẹp.

dtt4

Bước 5: Phần này cần dùng đến kéo và dây thép nên mẹ hãy làm giúp bé nhé.

Lấy kéo cắt một đoạn dây thép nhỏ rồi lồng buộc vào hai bên mép lồng đèn để làm chỗ treo.

dtt5

Khéo léo cài thêm chút ruy băng vải ở dưới đáy là ta đã có một chiếc lồng đèn cực đẹp

dtt6

Hai mẹ con cũng có thể nhờ bố lồng một chiếc bóng đèn điện nhỏ vào để bật buổi tối. Sẽ rất lung linh đó!

dtt7

Chúc mẹ và bé thành công!

Khi bé không chịu ngủ sớm

Posted: 15 Sep 2013 02:00 AM PDT

Tôi còn nhớ khi mình cách ngày dự sinh tầm khoảng 5 tuần, đã có rất nhiều lời khuyên từ những chị em đi trước nhắn nhủ với tôi rằng "Hãy ngủ đi. Việc cần tận hưởng nhất bây giờ là đi ngủ". Đương nhiên tôi biết, sinh con rồi thì sẽ phải thức đêm chăm con. Đặc biệt là với những mẹ xác định cho con bú 100% như tôi, khó tránh! Tuy nhiên, với "kinh nghiệm" trắng đêm làm việc và lướt web của mình, tôi không tin rằng tôi lại không thể thức đêm chăm con. Vậy mà hóa ra, mọi thứ không "êm đềm" như tôi tưởng.

Nhím – Con gái tôi có vẻ mới sinh đã "bướng". Ban ngày Nhím ăn và ngủ rất ngoan. Vậy nhưng cứ đến 9h tối là con chơi một mạch đến 5,6 giờ sáng mới chịu ngủ. Mới chỉ 2,3 đêm trắng chăm con, vợ chồng tôi như đã "hóa điên". Tôi lao vào đọc đủ các loại sách, tài liệu trên mạng về cách làm thế nào để ru con ngủ. Chồng tôi thì "tha lôi" về cơ man lỉnh kỉnh những là đèn nhạc ru ngủ, cá ngựa ru ngủ, nôi rung ru ngủ rồi cả sữa tắm giúp bé ngủ ngon. Vậy nhưng tất cả đều chẳng hề có chút tác dụng. Tôi đương nhiên không từ bỏ. Tôi biết cũng không có ông bố bà mẹ nào từ bỏ cuộc chiến ru con ngủ mỗi đêm. Tôi và chồng quyết định đưa con đi khám. Thiếu canxi, thiếu vitamin D, đói, hay bị làm sao, dứt khoát tôi phải tìm ra "bệnh" của con gái mình.

Dù tôi có làm mọi cách, con vẫn không chịu ngủ đêm

Dù tôi có làm mọi cách, con vẫn không chịu ngủ đêm

Bác sĩ nhi cũng chẳng hề biết vì sao con gái tôi lại như vậy. "Qua tháng đầu là nó sẽ ngoan thôi!" – Bác sĩ an ủi vợ chồng tôi. Vậy nhưng, đầy 1 tháng rồi đầy 2 tháng, mỗi một cái ngày đầy tháng trôi qua, Nhím vẫn cứ khăng khăng giữ lịch sinh hoạt "châu Âu" của mình. Nếu không thức một mạch, một đêm con cũng vẫn phải dậy 3 lần, đòi ăn, đòi chơi, đòi mẹ bế. Có những đêm ôm con cố dỗ Nhím ngủ, mẹ khóc, con khóc đến nỗi chồng còn tưởng tôi đã "phát điên". Chúng tôi thậm chí đã có những lúc tranh cãi nảy lửa chỉ vì "cứ để nó khóc" hay "bế nó lên đi". Mọi người đều nhìn vợ chồng tôi bằng con mắt "thương cảm" rồi thi nhau mách nước:

"Lúc tối đừng cho con ngủ. Như vậy thì đêm mới ngủ ngon một mạch."

"Phải cho con ngủ vài giấc ngắn lúc 8, 9 giờ tối. Như vậy thì đêm mới không mệt quá. Nếu đã quá mệt vì thiếu ngủ, trẻ sẽ cáu gắt và không ngủ nữa."

"Cứ mặc kệ con khóc, mệt sẽ tự ngủ."

"Đừng bao giờ để con khóc mà không bế. Nó sẽ càng khóc to."

"Để con ngủ cùng giường với mình cho tiện."

"Đừng bao giờ để con ngủ cùng giường. Bện hơi mẹ sẽ khó cai lắm."

"Vỗ lưng cho con ngủ ngon."

"Đừng vỗ lưng, nó sẽ quen và không chịu ngủ nếu không được vỗ."

"Bế ru một lúc là ngủ."

"Đừng bế ru nếu không muốn phải suốt ngày bế con."

"Cho con bú một lúc là sẽ ngủ."

"Đừng cho con bú đêm, đêm nó sẽ quen thói mà dậy đòi ăn."

Rồi còn nhiều nữa những lời khuyên và phương pháp.. nhưng tất cả đều chẳng tác dụng gì. Cuối cùng, vào ngày "đầy tháng" thứ 10 của Nhím, tôi quyết định "đầu hàng".

Lạ lùng thay, kể từ khi tôi quyết định "chấp nhận số phận", tôi bỗng thấy thanh thản và hạnh phúc lạ kì. Không phải vì thấy tôi "thua" mà Nhím chịu đi ngủ đúng giờ. Tuy nhiên, vì đã quen với lịch sinh hoạt của con, tôi quyết định phải "sống" theo Nhím. Tôi bắt đầu tranh thủ ngủ những lúc con ngủ và luôn sẵn sàng 1,2 quyển sách để chơi cùng con vào ban đêm. Cũng có những khi, Nhím ngủ ngon một giấc xuyên đêm. Cũng có những ngày tôi ngồi chơi với con lúc 3 giờ sáng. Thay vì ngủ nướng vùi mặt, tôi và Nhím lại được cùng nhau đón những ánh nắng sớm mai đầu tiên. Vào những khi nhà nhà chìm trong giấc ngủ, có khi tại ngôi nhà nhỏ của tôi, Nhím vẫn đang bật cười khanh khách với những trò chơi của bố mẹ. Tôi không cho việc người lớn tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt đúng giờ là sai. Tuy nhiên, ta nên chấp nhận một thực tế là: Không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau.

Tôi viết bài viết này lúc 2 giờ sáng, khi Nhím vẫn đang mải miết tập bò quanh nhà. Xin gửi đến những chị em đang thức khuya chăm con cùng với tôi, lời chia sẻ, tâm sự để chúng ta cùng có thêm động lực nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

0 Nhận xét